• Zalo

'Bom' 150 mâm cỗ cưới của nhà hàng, khách đặt bị xử lý ra sao?

Pháp đìnhThứ Năm, 01/10/2020 16:37:22 +07:00Google News
(VTC News) -

Luật sư cho rằng, khách hàng "bom" 150 mâm cỗ cưới là hành vi đáng lên án và sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự về việc chậm thanh toán tiền do vi phạm hợp đồng.

Câu chuyện hy hữu về một nhà hàng ở Điện Biên bị khách "bùng" 150 mâm cỗ cưới khiến dư luận xôn xao suốt 2 ngày qua. Đáng nói, do khách hàng là chỗ quen biết nên chủ nhà hàng không thực hiện hợp đồng giao dịch đặt cọc trước khi làm cỗ.

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu chủ nhà hàng và khách hàng không thỏa thuận được việc thanh toán tiền theo hợp đồng thì nhà hàng có quyền khởi kiện ra TAND để giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự và buộc bên vi phạm phải có trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015.

"Đây là vụ việc hy hữu xảy ra trong giao dịch dân sự. Tình trạng đặt hàng nhưng không lấy hàng đã và đang xảy ra rất nhiều trong xã hội hiện nay, nhưng việc đặt cỗ cưới mà không thực hiện thì cũng hiếm khi xảy ra.

Trong vụ việc này, khách hàng đặt cỗ cưới nhưng không thực hiện hợp đồng làm cho chủ nhà hàng lâm vào tình trạng khốn đốn khi 150 mâm cỗ cưới vẫn còn nguyên mà không có người ăn.

Do tin tưởng và quan hệ quen biết nên chủ nhà hàng đã chủ quan thỏa thuận miệng, không lập hợp đồng và đặt cọc tiền làm cỗ cưới nên thiệt hại xảy ra khi khách hàng không đến ăn là rất lớn. Đây cũng là bài học cảnh báo trong việc giao kết hợp đồng dân sự phải tìm hiểu kỹ đối tác, lập văn bản và phải có biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng (đặt cọc) đối với giao dịch có giá trị lớn", luật sư Thơm nói.

'Bom' 150 mâm cỗ cưới của nhà hàng, khách đặt bị xử lý ra sao? - 1

Nhà hàng tổ chức tiệc cưới bị "bom" 150 mâm cỗ khiến chủ quán khóc dở mếu dở. (Ảnh: CTV)

Vị luật sư này phân tích, Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức của giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do vậy, hợp đồng đặt cỗ cưới vẫn có giá trị pháp lý, 2 bên phải thực hiện đúng các nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng.

Trong trường hợp này, bên bán hàng thỏa thuận với bên mua hàng, 2 bên thỏa thuận thành công nhưng khi thực hiện việc nhận hàng, giao hàng, thanh toán và thu tiền thì bên đặt hàng không thực hiện việc giao dịch đó.

Theo luật sư Thơm, khi thực hiện việc giao dịch việc đặt hàng là 2 bên đã thỏa thuận với nhau về hợp đồng mua bán hàng hóa. Hợp đồng có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng hành vi, bằng văn bản cụ thể.

Do đó, nếu bên mua hàng đã đặt đặt hàng nhưng không thực hiện việc thanh toán và nhận hàng mình đặt thì theo pháp luật dân sự người đặt hàng đó vi phạm quy định về nghĩa vụ của hợp đồng.

Theo quy định pháp luật hiện hành, bên đặt hàng buộc phải thực hiện việc nhận và thanh toán như đã thỏa thuận và phải chịu thêm chi phí bảo quản và vận chuyển phát sinh nếu có. Nếu chậm thực hiện việc nhận hàng dẫn đến hàng hóa hư hỏng thì bên nhận hàng cũng phải chịu các chi phí phát sinh nếu có.

'Bom' 150 mâm cỗ cưới của nhà hàng, khách đặt bị xử lý ra sao? - 2

Hình ảnh các mâm cỗ bị "bùng" do khách đặt không đến.

Đồng quan điểm với luật sư Trần Anh Thơm, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, có hai tình huống có thể đặt ra trong trường hợp trên.

Tình huống thứ nhất, đám cưới gặp phải sự cố do nguyên nhân khách quan nên việc tổ chức đám cưới chưa thể thực hiện được. Tình huống này hoàn toàn là quan hệ dân sự thuần tuý, chủ nhà hàng có thể bắt đền người đặt hàng.

"Nếu hai bên không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại", luật sư Cường nói.

Tình huống thứ hai, người đặt cỗ cố tình làm như vậy để “chơi khăm”, với chủ đích gây thiệt hại cho chủ nhà hàng. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định của pháp luật hình sự hiện hành thì rất khó có thể áp dụng chế tài nào đối với hành vi này.

"Hành vi không thực hiện đúng thỏa thuận trong quan hệ dân sự, vi phạm thỏa thuận của hợp đồng dân sự gây thiệt hại cho chủ thể của hợp đồng, thì đây hoàn toàn là quan hệ dân sự thuần tuý. Dù vô ý hay cố ý thì cũng sẽ giải quyết bằng thủ tục tố tụng dân sự", luật sư Cường cho hay.

Đối với vụ việc nhà hàng bị "bom" cỗ trên, khi khách đặt cỗ cố tình không bồi thường thiệt hại và hai bên không thỏa thuận được với nhau, thì chủ nhà hàng phải khởi kiện đến tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nếu khách hàng có tài sản để đảm bảo việc bồi thường thì thiệt hại có thể được bù đắp. Còn ngược lại, rủi ro hoàn toàn thuộc về chủ nhà hàng do thiếu kinh nghiệm, không có những nguyên tắc cần thiết để đảm bảo an toàn trong kinh doanh.

Mở rộng vấn đề, luật sư Cường cho rằng, chỉ khi xảy trường hợp sau thì mới bị xử lý trách nhiệm hình sự: “Nếu hành vi trên là cố ý, tác động trực tiếp đến tài sản của chủ nhà hàng khiến tài sản bị hư hỏng hoặc hủy hoại thì mới có thể áp dụng chế tài hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Hoặc trường hợp gian dối để chiếm đoạt tài sản thì mới có thể xử lý về tội lừa đảo hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, luật sư Cường phân tích.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn