Nhân dịp kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác Hồ, sáng 19/5 Bộ GD&ĐT phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục.
Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bác Hồ coi giáo dục là một kế sách lâu dài, là đòn bẩy cho sự văn minh, giàu mạnh của dân tộc. Bác luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo, coi "Giáo dục là cốt sách hàng đầu" trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Bác Hồ luôn chỉ đạo Đảng và Nhà nước ta về sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Bác giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục trực tiếp là các nhà giáo đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho Nhà nước.
Trong tư tưởng, cũng như trong thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi nội dung giáo dục không chỉ có kiến thức văn hóa, mà quan trọng hàng đầu là giáo dục đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống, nhằm tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức, những con người phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, hội đủ các phẩm chất nhân, trí, lễ, nghĩa, tín, dũng, liêm, chính...
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của những thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Người đánh giá cao sứ mệnh của người thầy: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đối với công tác giáo dục. Trong những năm qua, ngành giáo dục nước ta đạt nhiều thành tựu to lớn được bạn bè quốc tế biết đến và nể phục. Đó cũng chính là mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người đi xa.
Hội thảo nhằm thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sinh viên và học sinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần của Người trong sự nghiệp giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng cho hay.
Thông qua kết quả báo cáo và thảo luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ hy vọng mỗi một cán bộ, giáo viên luôn ý thức về trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ không chỉ về tri thức mà còn về đạo đức cách mạng; tăng cường trách nhiệm của thầy cô giáo với người học, dẫn dắt học sinh, sinh viên trong học tập và rèn luyện.
Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong quá trình xây dựng nền giáo dục mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức. Người coi giáo dục đạo đức là nền tảng của chiến lược giáo dục.
Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng con người mới. Gắn với giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức là giáo dục, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, trình độ chuyên môn.
Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa, chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.
Từ đó, ông Bùi Văn Linh đề nghị các nhà khoa học tập trung đi sâu, làm rõ những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, triết lý của Hồ Chí Minh về giáo dục; những cống hiến, đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh đối với quá trình xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam; sự vận dụng, phát triển tư tưởng, triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam qua các giai đoạn khác nhau.
Bình luận