• Zalo

Bóc mẽ chiêu dọa người dùng quen thuộc của Massan

Kinh tếThứ Năm, 28/03/2013 08:58:00 +07:00Google News

"Nạn nhân mì gói" của Massan cho rằng, quảng cáo cà phê thật hay mì không phẩm màu độc hại là chiêu dọa người tiêu dùng quen thuộc của Massan.


"Nạn nhân mì gói" của Massan cho rằng, quảng cáo cà phê thật hay mì không phẩm màu độc hại là chiêu dọa người tiêu dùng quen thuộc của Massan.


Câu chuyện quảng cáo cà phê thật mà không thật của Vinacafe Biên Hòa càng nóng hơn khi một nạn nhân của chiêu quảng cáo tương tự với mì gói lên tiếng. Đại diện của công ty mì gói hàng đầu Việt Nam cho rằng cà phê thật cũng là cách dọa người tiêu dùng như việc mì Tiến Vua không có màu vàng, không chất gây hại nhưng cuối cùng vẫn có chất Transfat là 0,097%. Đây là cách làm quen thuộc của Masan, đơn vị vừa nắm phần lớn cổ phần Vinacafe Biên Hòa.


"Khi đưa ra thông điệp cà phê thật, cà phê giả bản thân Vinacafe Biên Hòa đã tự khẳng định, quảng cáo cho sản phẩm của mình chứ không hề dựa trên cơ sở khoa học nào cả. Đơn vị này không phải là một cơ quan độc lập, không có chức năng kiểm chứng, nhận định những vấn đề đó, nên thông tin là vô căn cứ.

Thí nghiệm phân biệt cà phê thật, cà phê giả trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả với Tuổi Trẻ 

Phó Tổng giám đốc của Vinacafe Biên Hòa đã thực hiện thí nghiệm, hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt cà phê thật, cà phê giả theo tôi là không khách quan." - 'Nạn nhân của quảng cáo mì gói' cho biết sau khi theo dõi thí nghiệm phân biệt cà phê thật, cà phê giả của Phó tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa trên báo chí.

Cũng theo nạn nhân này, nếu những thông điệp trong thí nghiệm đã được cơ quan quản lý chứng nhận, hoặc Vinacafe Biên Hòa chứng minh được điều đó dựa trên cơ sở khoa học thì sẽ không có ai phủ nhận những điều họ nói.

"Nhưng đằng này, Vinacafe Biên Hòa tự khẳng định cà phê của mình là thật, chẳng nhẽ cà phê của những hãng khác đều là giả? Vậy người tiêu dùng biết thế nào là thật, thế nào là giả bây giờ?

Thôi thì tôi nghĩ cách tốt nhất là trước khi uống nên pha hai gói, sau đó ngồi quan sát xem cái nào giống màu cà phê thật, cái nào giống màu cà phê giả như thí nghiệm của đơn vị này rồi hãy uống. Cách quảng cáo ẩn mình trong thí nghiệm như vậy theo tôi là không đẹp.

Dùng chiến thuật đánh vào tâm lý, sự sợ hãi của người tiêu dùng, đánh vào sự thiếu hiểu biết của người dân là không ổn, nó đi ngược lại với mục đích quảng cáo chân chính" - người này cho biết.
 
Thí nghiệm phân biệt cà phê thật, cà phê giả của Vinacafe Biên Hòa đã khiến nạn nhân của Masan nhớ lại đoạn quảng cáo mì Tiến vua: cho hai vắt mì vào nước và dựa vào màu sắc của sợi mì và nước để phân biệt loại nào chứa phẩm màu E102, loại nào không, thông qua đó khẳng định mì Tiến vua là tốt.

Trong khi đó hàng loạt các sản phẩm được cho là cao cấp như Omachi thì trong thành phần vẫn chứa phẩm màu E102 tại thời điểm đó.
 
"Ngồi điểm lại thì thấy Công ty này đã từng dính nhiều chàm về quảng cáo, ví dụ nước mắm Chin su cá hồi quảng cáo ầm ầm nhưng bị Cục Quản lý cạnh tranh tuýt còi đổi lại thành hương cá hồi, mì không dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần cũng bị tuýt còi".

"Quảng cáo đánh vào tâm lý sợ hãi của người tiêu dùng như vậy là không đẹp, không hay, thậm chí còn gây phản cảm. Không thiếu gì cách làm hay, đẹp để kéo người tiêu dùng về với sản phẩm của mình, khi người tiêu dùng nhận ra được chân tướng, bản chất của vấn đề thì họ sẽ tẩy chay sản phẩm đó.

Người tiêu dùng mong muốn và hy vọng các nhà sản xuất luôn nghiên cứu cho ra những sản phẩm tốt có lợi cho sức khỏe, thì những thông điệp đưa ra cho người tiêu dùng cũng nên nói đúng bản chất, không nên dùng mọi thủ đoạn để dọa người tiêu dùng, nói xấu đối thủ" - Đại diện của hãng mì này đánh giá.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Long, Đoàn luật sư TP HCM, thì nên xét đến ý đồ của thí nghiệm này là để làm gì?
 
"Vấn đề là trong thí nghiệm có khuyên cà phê thật thì có màu thế này, cà phê giả có màu như thế này đã khiến cho người tiêu dùng nhầm lẫn. Hậu quả để lại là như thế, chứ không phải ai đi mua cà phê cũng làm thí nghiệm như thế đâu. Như thế chính là gieo cho người tiêu dùng một ấn tượng: cái màu như thế này là giả đấy, còn màu phải như thế này mới là thật cơ.
 
Thực tế đã gây cho người tiêu dùng sự nhầm lẫn mà chưa có một cơ sở khoa học nào chứng minh. Đây chỉ là thí nghiệm của riêng Vinacafe Biên Hòa thôi. Bây giờ tôi cho một ít phẩm màu vào, nhưng không phải ai cũng thích, ai cũng ghét. Có người thì thích màu cà phê phải đen đặc, có người lại thích màu cà phê vàng cánh gián. Nhưng đó vẫn là cà phê thật 100%, vẫn đảm bảo quy định, vệ sinh an toàn thực phẩm chứ có phải nhà sản xuất làm giả đâu" - Luật sư Long cho biết.

Theo ĐVO
Bình luận
vtcnews.vn