• Zalo

Bộ Y tế: Bệnh nhân COVID-19 cần tăng cường chế độ dinh dưỡng

Tin tứcThứ Bảy, 15/08/2020 12:23:49 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu bệnh nhân nặng chỉ sử dụng thuốc mà không tăng cường dinh dưỡng sẽ bị suy dinh dưỡng, suy kiệt và chậm phục hồi.

Sáng 15/8, tại Trung tâm quản lý và điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19, Cục Quản lý Khám chữa bệnh tổ chức lớp tập huấn trực tuyến về chế độ dinh dưỡng trong điều trị cho người nhiễm COVID-19 cho các cán bộ khoa Dinh dưỡng, khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu, Khoa Truyền nhiễm và các cán bộ y tế đang làm việc tại bệnh viện, khu cách ly người nghi nhiễm trên toàn quốc.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh - Phó Trưởng tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, ngành y tế đang căng mình chiến đấu với đại dịch COVID-19. Nhiều nhóm giải pháp được thực hiện để giúp điều trị bệnh nhân trong đó dinh dưỡng là biện pháp quan trọng giúp cho người bệnh phục hồi, nâng cao thể trạng.

Bộ Y tế: Bệnh nhân COVID-19 cần tăng cường chế độ dinh dưỡng - 1

 Lớp tập huấn trực tuyến về chế độ dinh dưỡng trong điều trị cho người nhiễm COVID-19. 

"Bệnh nhân 91 là điển hình trong kết hợp nhiều biện pháp từ nội khoa, hồi sức tích cực, nhiều chuyên khoa cùng phối hợp, trong đó dinh dưỡng đã đồng hành trong quá trình hồi phục của bệnh nhân này", Cục trưởng nói.

Theo PGS Khuê, hiện bệnh nhân nặng chiếm khoảng 20% tổng số ca bệnh đang điều trị, trong đó bệnh nhân rất nặng khoảng từ 5-7%, tỷ lệ tử vong chiếm 2,1%, nhóm các bệnh nhân nặng có bệnh lý nền, các bệnh không lây nhiễm như huyết áp tim mạch tiểu dường, Thận nhân tạo…chiếm số lượng khá lớn.

Việc điều trị là một thách thức lớn cho các cơ sở khám, chữa bệnh do đó dinh dưỡng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Hội đồng chuyên môn.

Để thực hiện tốt hơn công tác dinh dưỡng trong bệnh viện, TS Chu Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, trong thời gian qua trung tâm cử các bác sỹ hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW,...

Nếu bệnh nhân nặng chỉ sử dụng thuốc mà không tăng cường dinh dưỡng sẽ dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt, chậm phục hồi và phải nằm viện dài ngày. Do đó, các bệnh viện phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng lâm sàng giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của người bệnh.

Cùng ngày, Cục Quản lý, khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn đề nghị tăng cường công tác sàng lọc, phân luồng và cách ly ca bệnh nghi ngờ tại bệnh viện.

Theo công văn, ca mắc COVID-19 thứ 867 đã đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Thanh Nhàn khám. Sau 2 lần được CDC Hà Nội và Bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu, đến ngày 11/8 có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.

Cục quản lý Khám, chữa bệnh hoan nghênh và biểu dương Bệnh viện Thanh Nhàn đã đề cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm các hướng dẫn sàng lọc, phân luồng, cách ly phòng chống dịch COVID-19. Việc sàng lọc đúng, chỉ định xét nghiệm sớm và kỹ lưỡng 2 lần (lần đầu kết quả âm tính) đã tránh được Bệnh viện lớn của Thủ đô nguy cơ bị phong tỏa và bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.

Đồng thời, đề nghị Cục Quân y - Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và các bệnh viện thuộc bộ, ngành có người bệnh đến khám cần khẩn trương rút kinh nghiệm việc sàng lọc, phân luồng, cách ly, lấy bệnh phẩm xét nghiệm và quản lý các ca nghi nhiễm COVID-19, tuyệt đối không để người nghi nhiễm tự ý di chuyển.

Bộ Y tế cũng yêu cầu toàn bộ bệnh viện trên toàn quốc cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ bài học của hai bệnh viện trên. Thực hiện nghiêm các công điện và hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế ban hành.

Hà Cường
Bình luận