• Zalo

Bệnh nhân COVID-19 thứ 22 qua đời

Tin tứcThứ Bảy, 15/08/2020 06:19:54 +07:00Google News
(VTC News) -

Bệnh nhân 702 (BN 702), nam, 63 tuổi, có tiền sử suy thận giai đoạn cuối, tăng huyết áp, suy tim, chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi.

Sáng 15/8, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19. 

Cụ thể, bệnh nhân 702 (BN 702), nam, 63 tuổi, có tiền sử suy thận giai đoạn cuối đã chạy thận nhiều năm, tăng huyết áp, suy tim.

Chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi do COVID-19, trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

Như vậy, tính đến thời điểm này, có 22 trường hợp mắc COVID-19 ở nước ta tử vong từ đầu vụ dịch đến nay, đó là các bệnh nhân: BN496, BN426, BN429, BN524, BN475, BN499, BN428, BN437, BN 651, BN 718, BN456, BN430, BN737, BN436, BN522. BN832, BN485, BN623, BN479, BN585 và BN702.

Bệnh nhân COVID-19 thứ 22 qua đời - 1

Các bác sĩ điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. (Ảnh minh hoạ)

Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...

Trả lời báo chí về tình hình điều trị bệnh nhân nặng mắc COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng - cho biết, những bệnh nhân tại Đà Nẵng có bệnh nền nặng và thời gian bệnh dài và chính vì những bệnh nền đó đã gây ra những biến chứng, ví dụ suy tim, suy thận, suy kiệt cơ thể. Như vậy khả năng đáp ứng của các bệnh nhân tại TP Đà Nẵng so với bệnh nhân 91 là rất kém.

Cơ thể bệnh nhân đã bị giảm miễn nhiễm và với việc virus SARS-CoV-2 xâm nhập thì đây là một cơ hội làm tình trạng bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Có những bệnh nhân mặc dù chúng ta đã nỗ lực cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi.

"Các bệnh nhân được chúng tôi đánh giá là nguy hiểm nhất là các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng đặc biệt, các bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo. Có những bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo hơn 10 năm dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch ở cơ thể gia tăng"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.

Bên cạnh những bệnh lý nền và chạy thận nhân tạo thì những biến chứng như suy tim, suy đa tạng, ảnh hưởng đến chức năng gan, chức năng hô hấp tạo cơ hội cho virus xâm nhập cơ thể thì khả năng đáp ứng của bản thân đã bị đè nén và không thể phản ứng lại được với sự xâm nhập của virus.

Đây là cơ hội lớn để virus làm gia tăng những biến chứng của các bệnh lý nền của người bệnh. Mặc dù được sự hỗ trợ của các bác sĩ hồi sức, nhưng một số bệnh nhân đã tử vong vì những biến chứng đó.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn