Trình bày tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2023 của ngành xây dựng, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, thông tin: Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Bên cạnh đó, đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội; Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” sau khi được Thủ tướng phê duyệt.
Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án NOXH, NOCN vay theo phương thức tái cấp vốn.
"Việc thực hiện hiệu quả, chất lượng của đề án sẽ góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp", ông Hải nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình phát triển nhà ở xã hội như: trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở xã hội chưa nhanh gọn; chưa quy định cụ thể việc xác định chi phí đầu tư hạ tầng và bồi thường để thanh toán khi chuyển giao quỹ đất 20%; bất cập về thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội khi điều chỉnh chủ trương dự án, về thời điểm và cơ sở thẩm định giá bán nhà ở xã hội...
Ngoài ra, nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn thấp. Cụ thể, vốn bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội). Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.
Nhiều địa phương cũng chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội; chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương; chưa quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án…vẫn còn kéo dài.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn trong thời gian vừa qua mới chỉ tập trung vào việc phát triển các khu đô thị, nhà ở, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Bình luận