Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 10/11, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) nêu băn khoăn của cử tri về trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong xây dựng, triển khai chiến lược vaccine COVID-19 sớm hơn sẽ ngăn chặn được những tổn thất về dịch bệnh trong năm 2021.
Video: Trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long về dự báo COVID-19
Tiếp cận vaccine COVID-19 sớm nhưng mua muộn
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chúng ta tiếp cận vaccine sớm nhưng mua muộn hơn nhiều nước do nhiều nguyên nhân.
Từ tháng 9/2020, Việt Nam đã làm việc và thỏa thuận với Covax. Tháng 11/2020, Việt Nam thỏa thuận với Astra Zeneca để cung ứng 30 triệu liều vaccine. Trước đó, từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các công ty để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Về nguyên nhân mua muộn, ông Long cho biết là do tình trạng khan hiếm vaccine trên quy mô toàn cầu và vẫn kéo dài đến nay. Các nước phát triển mua với số lượng lớn, gây ra sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine quy mô toàn cầu, có nước đặt hàng cao hơn nhu cầu sử dụng đến 4 lần.
Ngoài ra, tâm lý sử dụng vaccine chưa ổn định, không phải lúc nào cũng như hiện nay. Vào đầu năm 2021 từng có tình trạng tẩy chay, từ chối sử dụng vaccine diễn ra ở nhiều nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, hàng loạt khó khăn Việt Nam gặp phải khi mua vaccine như cả rào cản về pháp luật. Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ rủi ro khi mua vaccine, như có thể giao hàng chậm, giá mua sau này thấp hơn cũng không được giảm giá, không được trả lại vaccine kể cả trong trường hợp chất lượng không đảm bảo; chỉ khi nào quốc tế công nhận vaccine đó không đảm bảo mới được trả lại. Bên bán cũng không chịu trách nhiệm về giao hàng không đúng thời hạn. "Đây là những khó khăn trong việc mua vaccine. Những vấn đề này, luật pháp Việt Nam cũng chưa có quy định", ông Long nói.
Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 2/2021 và Nghị quyết của Chính phủ từ tháng 5/2021, Việt Nam thúc đẩy rất nhanh tiến trình mua vaccine. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là nước có tổ chức tiêm và bao phủ vaccine rất nhanh. “Vấn đề này Bộ Y tế nhận trách nhiệm và đã triển khai các biện pháp bảo đảm vaccine năm 2021 và năm 2022”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) bày tỏ lo ngại sức khỏe sinh sản của trẻ bị ảnh hưởng khi tiêm vaccine mRNA. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, qua nghiên cứu trao đổi, hướng dẫn của các tổ chức y tế trên thế giới, cách làm của các nước cũng như Việt Nam là tiêm từ lứa tuổi lớn đến nhỏ, nhóm nguy cơ có bệnh lý nền, sau đó mở rộng đối tượng.
Hiện vaccine duy nhất được sử dụng cho trẻ em tại Việt Nam là Pfizer-BioNTech. Cơ chế của vaccine là vào cơ thể không xâm nhập hệ gen mà chỉ xâm nhập vào tế bào cơ, kết hợp sản xuất kháng thể chống lại vi rút, không có sự xâm nhập trực tiếp vào gen, AND.
“Những ý kiến cho rằng vaccine gây đột biến sinh sản đối với trẻ em cho đến thời điểm hiện nay được khẳng định là không có và vẫn đang tiếp tục được theo dõi”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định tất cả vaccine được cấp phép sử dụng tại Việt Nam được bảo đảm an toàn, chất lượng và theo đúng quy định chung của thế giới.
Ưu tiên phủ vaccine cho người dân nhanh nhất
Tại phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) đặt câu hỏi: "Ở một số địa phương, người dân chưa tiếp cận mũi 1 vaccine trong khi ở địa phương khác bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em và đang tính đến mũi 3. Vậy đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết nguyên tắc phân bổ vaccine".
Đồng thời, đại biểu này cũng chất vấn Bộ Y tế về việc "tại sao Việt Nam đã sản xuất được kit, test xét nghiệm COVID-19 nhưng vẫn phải nhập của nước ngoài?".
Trả lời câu hỏi nguyên tắc phân bổ vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc phân bổ vaccine dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong đó có địa bàn ưu tiên trọng điểm và đối tượng ưu tiên. Vì vậy, Bộ ưu tiên cho địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp trước, sau đó là nơi nguy cơ cao như tập trung khu công nghiệp và đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, mật độ dân cư lớn.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung triển khai cho đối tượng ưu tiên trước như người cao tuổi trên 50, 65 tuổi vì đây là nhóm người rủi ro nhất. Còn đối với việc tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, ông Long cho hay, trước mắt sẽ triển khai cho địa bàn trọng điểm trước, còn trong tháng 11 sẽ cố gắng bao phủ phạm vi toàn quốc.
Đối với vấn đề tiêm mũi 3, ông Long cho rằng, Bộ Y tế mới có kế hoạch, chưa triển khai và dự kiến thực hiện và cuối tháng 12. Tuy nhiên, ông khẳng định mục tiêu ưu tiên vẫn là phủ toàn bộ vaccine cho dân số nhanh nhất; mục tiêu là 2 tuần đầu tháng 11 phủ toàn bộ mũi 1 và trả mũi 2. Sau đó, mới tính đến tiêm mũi 3 cho người cao tuổi.
Trả lời về câu hỏi bộ kit, test do Việt Nam sản xuất được sử dụng ra sao, ông Nguyễn Thanh Long cho biết nước ta là một trong 4 nước đã phân lập và giải trình tự gene thành công với virus. Tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Bộ chỉ đạo, phối hợp Công ty Việt Á, Học viện Quân Y, Công ty Thái Dương để sản xuất test RT-PCR.
Căn cứ diễn biến dịch và chiến lược xét nghiệm, Bộ Y tế đã hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất test nhanh kháng nguyên. "Về xét nghiệm kháng thể, chúng tôi cũng cố gắng để chủ động được nguồn cung loại test này", ông Long nói.
Bình luận