• Zalo

Bộ trưởng Y tế đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời

Sức khỏeThứ Ba, 27/10/2015 09:17:00 +07:00Google News

Bộ trưởng Y tế xúc động chia sẻ cảm giác trái tim của mình tiếp tục đập thình thịch trong lồng ngực của một ai đó là một hạnh phúc lớn lao.

(VTC News) – Bộ trưởng Y tế xúc động chia sẻ cảm giác trái tim của mình tiếp tục đập thình thịch trong lồng ngực của một ai đó là một hạnh phúc lớn lao.

Bộ trưởng Y tế đăng ký hiến tạng

Tại chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” và Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng diễn ra tối 26/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Cá nhân tôi đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não từ năm 2013, gia đình cũng rất ủng hộ việc làm của tôi”.

Bà Bộ trưởng trao thẻ Bảo hiểm y tế, kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho hơn 10 cá nhân tiêu biểu.  
“Tôi nghĩ đây là một việc tốt, có thể giúp ích cho những người bệnh và cho khoa học, cho các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người.

Cái cảm giác trái tim của mình vẫn tiếp tục đập thình thịch trong lồng ngực của một ai đó và có người được nhìn thấy bầu trời bằng đôi mắt của mình sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất và là một cách để tôi tiếp tục sống nếu một mai không may qua đời”, bà Tiến nói.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng biểu dương và trao thẻ Bảo hiểm y tế, kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho hơn 10 cá nhân tiêu biểu. Những người này đã tình nguyện hiến tạng cứu người.

Bộ trưởng Y tế kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; các tầng lớp, giới chức xã hội, các tổ chức, cá nhân trong cả nước hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não để giúp cứu bệnh nhân.

Ghép tạng: 1 trong 10 phát minh làm thay đổi nhân loại

Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là 1 trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20.

Hàng năm trên thế giới có hàng triệu người được ghép mô, tạng. Lượng bệnh nhân được ghép mô, tạng cũng ngày càng gia tăng qua các năm.Nhu cầu cần ghép mô, tạng ngày càng lớn.

Theo báo cáo của Mạng lưới chia sẻ mô, tạng Mỹ, hiện toàn nước Mỹ có 121.600 người trong danh sách chờ được ghép tạng, trong số đó 99.201 trường hợp trong danh sách chờ được ghép thận.

Trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 2.500 bệnh nhân mới bổ sung thêm vào danh sách chờ được ghép thận, 20 phút có thêm 1 người vào danh sách chờ ghép thận. Khu vực Tây Âu có gần 40.000 bệnh nhân chờ được ghép thận trong khi số các trường hợp hiến từ tử thi chỉ duy trì ở mức 5.000 ca mỗi năm.

Danh sách người chờ được ghép tạng ở Trung Quốc cũng lên tới con số 1,5 triệu người. Tỷ lệ chết trong khi chờ ghép tim, gan hoặc phổi trong khoảng từ 15-30% tùy thuộc vào loại mô, tạng chờ được ghép.

Đã hơn 20 năm kể từ khi nước ta thực hiện ca ghép tạng đầu tiên. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ y bác sĩ, các nhà khoa học, của cả hệ thống y tế và sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội.

Ngành ghép tạng Việt Nam đã có những bước tiến dài, có trang thiết bị hiện đại, trình độ chuyên môn kỹ thuật tương đương khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, nhờ sự cho đi không vụ lợi một phần cơ thể mình của những người hiến tạng mà đã có hàng ngàn cuộc đời được tái sinh, được tiếp tục sống và cống hiến.


Vẫn còn lãng phí nguồn tạng lớn

Hiện ở Việt Nam, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…

Những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tạng thời gian qua đã mang đến cuộc sống mới cho nhiều bệnh nhân.
Nhiều người đã đăng ký hiến tạng trong thời gian gần đây.
Tính đến hết 30/9/2015, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn: Ghép thận (1.116 ca), ghép gan (48 ca), ghép tim (13 ca), ghép thận - tụy (1 ca), ghép giác mạc riêng BV Mắt Trung ương từ 2005 đến nay đã ghép được 1.401 ca.
 

Nhu cầu người chờ ghép lại ở mức rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, riêng chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Có thể nói, rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu như chúng ta có nguồn hiến tặng thích hợp vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng.

Nhưng một điều đáng suy nghĩ là, nhu cầu lớn, nguồn tạng hiến nhiều từ những ca chết não nhưng vì nhiều lý do, nguồn tạng này đã bị lãng phí.

Số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, mỗi năm cả nước có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Chỉ riêng tại BV Chợ Rẫy, mỗi năm có khoảng 1.000-1.500 bệnh nhân chết não vì chấn thương sọ não.

Tại BV Việt Đức (Hà Nội), con số này cũng xấp xỉ 1.000… Đây có thể nói là nguồn mô, tạng cứu sinh cho nhiều người chờ ánh sang và chờ chết. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, trong đó có cả những vấn đề về nhận thức, quan niệm tâm linh, nhiều trường hợp chết não đã không được gia đình đồng ý hiến tặng.


» Thận bé 23 ngày tuổi 'sống' trong cơ thể người lớn
» Hành động vô cùng xúc động của một con người
» Một người Việt 72 lần hiến máu, tự nguyện hiến tạng


Nam Anh

Bình luận
vtcnews.vn