Nội dung được ông Trần Tuấn Anh chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến về triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA)” do Thủ tướng chủ trì ngày 7/8 tại Hà Nội.
Ông Tuấn Anh nói: “EVFTA được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại và cân bằng về lợi ích của cả hai bên. EU xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa của ta có cơ hội lớn để xuất khẩu sang EU, ngược lại chúng ta cũng phải có nghĩa vụ mở cửa thị trường cho hàng hóa của châu Âu. Vấn đề là cùng với việc trang bị năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, phải tạo ra một môi trường cạnh bình đẳng, lành mạnh cho hàng hóa của cả hai bên".
Theo Bộ trưởng Công Thương, thời gian qua chúng ta đã làm khá mạnh, quyết liệt và đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm tốt hơn và kết quả thu được có thể tích cực hơn nữa để làm sao các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý và người dân hiểu đúng, hiểu đủ và hiểu rõ về các nội dung của các FTA nói chung và EVFTA nói riêng.
Do vậy, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này theo hướng đa dạng hóa về hình thức tuyên truyền và chuyên môn hóa về nội dung, hướng tới từng đối tượng cụ thể và đặc biệt cần xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, chuyên gia có kiến thức sâu về các FTA và EVFTA. Như vậy chúng ta mới có thể quán triệt và thống nhất cao về nhận thức trong việc thực thi đầy đủ và hiệu quả các cam kết của hiệp định EVFTA.
Vẫn theo ông Tuấn Anh, để giúp các doanh nghiệp tận dụng được tối đa những cơ hội mà EVFTA mang lại, chúng ta cần tích cực xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ban hành chính sách với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, minh bạch và bảo đảm công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.
“Điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách từ cả ở cấp trung ương và địa phương, đó là lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo. Có như vậy, những chính sách được ban hành mới thực sự đi vào cuộc sống và giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh được tốt hơn”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Ông Tuấn Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là giải pháp “không phải là vấn đề mới” mà là “thực trạng và bài toán hóc búa chúng ta đã gặp phải từ rất lâu rồi”.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Tuấn Anh cho rằng cần có những giải pháp hết sức cụ thể và thiết thực từng lĩnh vực. Đơn cử, ngành công nghiệp cần khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giải tỏa những nút nghẽn về nguồn nguyên liệu đầu vào, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại.
Các sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn cao, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nên các sản phẩm từ tự nhiên như thủy sản hay sản phẩm gỗ cần phải đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc, đánh bắt và khai thác một cách hợp pháp, gắn với có chế tài với hành vi vi phạm.
“Điểm đáng lưu ý là EU có cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính bổ trợ với Việt Nam và do vậy không trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa cùng phân khúc của chúng ta. Cũng chính vì thế, những mặt hàng mà EU có thế mạnh khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam như máy móc, thiết bị… sẽ giúp hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước giảm giá thành và nâng cao năng lực sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh tốt hơn”, Bộ trưởng nói.
Bình luận