Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 sau hơn 8 năm kể từ khi có hiệu lực thi hành là cần thiết và cấp bách. Trong dự luật Đất đai sửa đổi, có 6 nhóm chính sách lớn, nhóm nào cũng rất quan trọng để tập trung giải quyết vấn đề đang tồn tại yếu kém hiện nay. Tuy nhiên 3 vấn đề được ông Hà lựa chọn là quan trọng nhất.
Đầu tiên là vấn đề liên quan đến quy hoạch, vì Nhà nước với tư cách là đại diện cho sở hữu toàn dân về đất đai thì quản lý đất đai phải thông qua quy hoạch, nên việc hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đai làm sao để đáp ứng nhu cầu là rất quan trọng. Phân bổ quản lý nguồn lực này một cách tiết kiệm, công bằng, minh bạch hài hoà giữa các lợi ích các lĩnh vực kinh tế, giữa các địa phương, giữa hiện tại tương lai, giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường và biết đổi khí hậu.
Ngoài ra là vấn đề định giá đất đai. Nếu chúng ta làm tốt phương pháp định giá đất đai thì chúng ta đưa ra thị trường đất đai một cách công khai minh bạch, đảm bảo công bằng. Tài chính đất đai thông qua việc thay đổi quản lý bằng hành chính mệnh lệnh thông qua quản lý bằng công cụ kinh tế. Có thể xử lý các dự án chậm đưa vào hoạt động, xử lý nhà đầu cơ, thổi giá, thông qua công cụ này có thể xử lý được.
Thông qua các công cụ này thì đương nhiên tiếp tục lành mạnh hoá công tác quản lý đất đai tốt hơn, bảo vệ lợi ích người dân, bảo vệ cán bộ.
Vấn đề thứ ba là trong sửa đổi lần này cần có chuyển đổi số, áp dụng thành tựu công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đa mục tiêu, tập trung thống nhất, có thể quản lý đất đai với tư cách là cơ quan nhà nước thay mặt nhân dân quản lý gồm số lượng, chất lượng và kinh tế đất đai. Đồng thời qua đây cải cách các thủ tục hành chính, xây dựng nhà nước phục vụ, mọi dịch vụ công, mọi thông tin đất đai đến người dân ở mọi nơi, mọi lúc.
“Tôi cho rằng ba chính sách này có mối quan hệ hữu cơ, khi chúng ta giải quyết được thì chúng ta sẽ giải quyết được cơ bản các vấn đề đang tồn tại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động rà soát, đánh giá 112 luật, bộ luật có liên quan, xác định những nội dung chồng chéo, thiếu thống nhất cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo. Đồng thời, bộ tổ chức lấy ý kiến góp ý với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành trong cả nước, cùng bốn hội thảo…
Từ đó, Bộ đã hoàn thiện hồ sơ dự án luật gửi Bộ Tư pháp thẩm định và đã được Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua tại cuộc họp ngày 9/8. Đến nay, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được xây dựng cơ bản, bám sát tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TƯ với nhiều điểm đổi mới.
Đặc biệt dự thảo đã thể chế hóa chủ trương bỏ khung giá đất, xây dựng cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ chuyển trọng từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang thực sử dụng các công cụ kinh tế để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai.
Dự thảo tăng cường công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất theo hướng giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong thu hồi đất, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Việc tổ chức xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất…
"Nếu dự luật được xây dựng đảm bảo đúng tiến độ, được toàn dân ủng hộ thì dự kiến tại kỳ họp cuối năm 2023, dự luật sẽ được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ giữa năm 2024”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, sau hơn 8 năm Luật Đất đai có hiệu lực, nguồn lực đất đai từ năm 2013 đóng góp 7-8% nguồn thu ngân sách, thì đến năm 2021-2022 đã tăng lên trung bình 15-20%, có địa phương đến 35% tổng thu ngân sách.
Tuy vậy, nguồn lực đất đai quan trọng nhưng chưa phát huy được để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong khi đó, xung quanh việc khiếu kiện thì vấn đề liên quan đến đất đai vẫn nóng, chiếm 60-70% vụ việc. Ngoài ra, đất đai sử dụng chưa hiệu quả, nhiều khu vực thành phố đất nông nghiệp bỏ hoang, nhiều dự án chậm triển khai, không đưa đất vào sử dụng.
Hiện nay do quá trình khai thác sử dụng đất chưa bền vững nên đất đai đang thoái hóa về chất lượng, số lượng. Chất lượng đất giảm đi do hoạt động canh tác, thoái hóa, hoang mạc hóa, ô nhiễm....
“Đó là vấn đề đang nổi lên mà chúng ta cần giải quyết”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bình luận