• Zalo

Bộ trưởng TN&MT: Nhiều địa phương không xây được nhà máy xử lý vì không đủ rác

Chuyển đổi xanhThứ Ba, 07/11/2023 10:35:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh, một số địa phương chỉ có 200-300 tấn rác/ngày, chưa đủ tiêu chuẩn để xây dựng nhà máy xử lý tập trung.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn sáng 7/11.

Sáng nay, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó đoàn Bình Dương) cho biết, hiện tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất cao. Tỷ lệ này ở đô thị đạt 96%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%; nông thôn đạt 71%.

Tuy nhiên, qua giám sát và thực tế cử tri phản ánh, con số này chưa chuẩn xác vì quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa tốt và thiếu các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật về vấn đề này. "Đề nghị Bộ trưởng nêu kết quả thực hiện, nguyên nhân và giải pháp", bà Xuân chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó đoàn Bình Dương).

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó đoàn Bình Dương).

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho hay, năm 2022, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh toàn quốc khoảng 67.000 tấn/ngày; trong đó rác đô thị khoảng 36.800 tấn, nông thôn trên 29.000 tấn.

Vừa qua, các địa phương đã quan tâm thu gom, xử lý rác thải; nhiều nhà máy xử lý, đốt rác phát điện được xây dựng. Hiện, cả nước có khoảng 1.200 cơ sở xử lý; hơn 460 lò đốt và 38 dây chuyền compost (phân hữu cơ cho cây trồng), hơn 1.000 bãi chôn lấp.

"Số liệu như đại biểu nói 96% rác thải đô thị và 75% rác thải nông thôn được xử lý là con số xử lý bằng hình thức chôn lấp", ông Khánh thông tin.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, việc kêu gọi xã hội hóa để xử lý rác thải vẫn rất khó khăn, từ việc xây dựng các nhà máy đốt phát điện, phân loại rác tại nguồn chưa triệt để, đến việc "nhiều địa phương không đủ lượng rác để xây nhà máy".

"Ở một số địa phương, ngay đô thị trung tâm cũng chỉ có 200-300 tấn rác/ngày nên rất khó khăn khi xây dựng nhà máy xử lý tập trung. Các nhà máy cần lượng rác lớn để đảm bảo công suất ổn định", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Bộ đã ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tiêu chuẩn bảo vệ môi trường với phương tiện vận chuyển; tiêu chí về công nghệ xử lý; giá dịch vụ thu gom, xử lý; hình thức thu giá theo khối lượng hoặc thể tích; phương pháp định giá cho các nhà cung cấp dịch vụ; hướng dẫn các địa phương phân loại rác tại nguồn.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn, từ đó xử lý rác thải triệt để. "Bộ phấn đấu năm 2024 ban hành quy chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển xử lý rác thải và quy chuẩn về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt", Bộ trưởng Khánh cho hay.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) về tình hình kiểm soát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, Bộ trưởng cũng thông tin, đến năm 2022, cả nước có 291 khu công nghiệp nhưng chỉ có 265 khu công nghiệp là có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Trong 734 cụm công nghiệp thì chỉ có 179 cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung. Trong 26 khu công nghiệp chưa có xử lý nước thải có 7 khu thì đang hoàn thành.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề ra một số giải pháp. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiên quyết và chỉ cho phép các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung của khu công nghiệp, khu công nghiệp mới muốn đi vào hoạt động, vận hành phải hoàn thành tiêu chí bảo vệ môi trường, trong đó có hệ thống xử lý nước thải.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, hiện nay chúng ta đang chỉ đạo xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, do vậy kiên quyết không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất các dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong khu sản xuất kinh doanh tập trung, khu công nghiệp chưa có hệ thống thu gom.

Đồng thời, Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, đặc biệt tại các cụm công nghiệp. Cùng với đó, các địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử phạt hành chính.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn