Từ 15h ngày 4/6, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Phạm Tất Thắng đặt câu hỏi: "Hiện nay Trung Quốc đang vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân, đặt khá gần Việt Nam từ 50 đến 200 km, nguy cơ gây ô nhiễm phóng xạ đối với Việt Nam là rất lớn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp phòng ngừa, ứng phó như thế nào?".
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thắng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: "Về 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc gần biên giới Việt Nam, vấn đề này chúng tôi đã biết rất rõ".
Chính phủ đã giao Bộ Khoa học Công nghệ là cơ quan quản lý về an toàn hạt nhân xây dựng các trạm để theo dõi chính xác.
"Chúng tôi biết Bộ Khoa học Công nghệ đã làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để thường xuyên có những đoàn thanh tra quốc tế kiểm soát các quy chuẩn an toàn hoạt động tại đây", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Ngay thời điểm các nhà máy trên đi vào hoạt động, một số chuyên gia cho rằng người dân không nên hoang mang vì với các nhà máy điện hạt nhân, tiêu chuẩn an toàn luôn đặt lên hàng đầu, tuy nhiên cũng cần chuẩn bị kỹ các phương án phòng ngừa sự cố.
Ông Hà cho biết thêm không chỉ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mới đây Hà Nội đã đưa ra kế hoạch rất cụ thể về việc phòng tránh ô nhiễm hạt nhân nếu nguy cơ xảy ra.
Theo đó, thành phố Hà Nội dự báo một trong 10 rủi ro có thể trở thành thảm hoạ là rò rỉ phóng xạ nếu có sự cố từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc.
Vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội được giao chủ trì xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa rò rỉ chất phóng xạ, sự cố hạt nhân; tham mưu cho thành phố các nhiệm vụ liên quan đến các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ về phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa.
"Vấn đề các nhà máy điện hạt nhân không chỉ chúng ta mà tổ chức kiểm soát hạt nhân quốc tế cũng có nhiệm vụ giám sát. Với công nghệ hiện đại, chúng ta phối hợp với quốc tế tốt để kiểm soát tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Năm 2016, ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vận hành thương mại, gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam).
Các nhà máy này đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam, gần nhất là Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50 km, cách Hà Nội dưới 500 km.
Bình luận