(VTC News) - “Nếu Quốc Hội tín nhiệm thì tôi tiếp tục làm, còn Quốc hội không tín nhiệm thì tôi không có cơ hội để làm nữa”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng bày tỏ quan điểm.
>> Bộ trưởng Thăng: Chưa thu phí xe trong năm nay
>> Bộ GTVT giải thích về Quỹ bảo trì đường bộ
Chiều 3/4, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 3, tại đây một lần nữa các câu hỏi về các các đề xuất phí phương tiện đang được Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ xem xét tiếp tục được báo chí đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng.
Sãng sàng cùng chịu trách nhiệm
Trả lời về mức đề xuất thu Phí hạn chế phương tiện cá nhân từ 10 tới 50 triệu đồng/xe/năm, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Đề xuất này dựa trên chủ trương đã có của Quốc hội, Nghị quyết của TW Đảng, còn đề xuất cụ thể về mức phí này thì Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trực tiếp, và cá nhân tôi cũng cùng chịu trách nhiệm. Tôi thấy rằng, từ các tính toán mà Bộ trình Chính phủ thì mức đề xuất thu phí như vậy là hợp lý”.
“Khi đã làm thì sẵn sàng đề xuất, vì mục đích chung, vì mục tiêu đại đa số người dân được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông tốt, nên tôi không sợ tín nhiệm cao hay thấp”, Bộ trưởng Thăng thẳng thắn.Bộ trưởng Đinh La Thanh sẵn sàng để Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Về khả năng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ được Quốc hội đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng Thăng cho hay: “Đấy là quyền của Quốc hội, tôi không có quyền muốn hay không muốn. Khi Quốc hội đã quyết định bỏ phiếu tín nhiệm thì những ai được bỏ phiếu tín nhiệm đều phải chấp nhận. Còn tôi sẵn sàng làm việc này, vì đất nước, vì mục tiêu chung, mà Quốc Hội không tín nhiệm thì phải chấp nhận”.
“Nếu Quốc hội tín nhiệm thì tôi tiếp tục làm, còn Quốc hội không tín nhiệm thì tôi không có cơ hội để mà làm nữa”, Bộ trưởng Thăng bày tỏ quan điểm.
Cũng theo Người đứng đầu ngành Giao thông, việc thu phí hạn chế xe cá nhân với xe máy theo Đề án đã đề xuất chỉ thu thí điểm ở 5 Thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, và chỉ thu ở nội đô, không thu với người nghèo. Ngoài ra, thu xe máy chậm hơn 6 tháng sau khi đã thu ô tô, và chưa thu trong năm nay.
“Tôi tiếc là thông tin đến báo chí chưa đầy đủ, không rõ ràng, làm người dân hiểu nhầm là thu với tất cả xe máy, hoàn toàn không đúng như vậy”, Bộ trưởng Thăng thừa nhận thiếu sót trong cung cấp thông tin khiến dư luận và người dân hoang mang.
Về quan điểm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Thăng cho hay, ai sử dụng nhiều hạ tầng thì phải trả nhiều tiền hơn người dùng ít, ô tô trả nhiều hơn xe máy, xe máy nhiều hơn đi xe đạp. Tiền phí đấy là trả cho dịch vụ gián tiếp mà người sử dụng phương tiện được hưởng.
Người nộp cũng tự hào vì được đóng góp
Nói thêm về mục đích đưa ra đề xuất Phí hạn chế xe cá nhân, Bộ trưởng Thăng cho rằng, trước tiên là để hạn chế phương tiện cá nhân, vì chỉ tính trong quý I vừa qua, số lượng phương tiện đăng ký mới đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; Thêm nữa, thu phí để có tiền để đầu tư hạ tầng giao thông tốt hơn, người dân được hưởng; Phương tiện cá nhân giảm đi sẽ có điều kiện để tăng phương tiện vận tải công cộng…Theo Bộ trưởng Thăng, người nộp phí sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng.
“Nếu cứ đợi phát triển hạ tầng đủ rồi mới tìm cách hạn chế xe cá nhân thì lúc đấy đường sẽ không còn đi được nữa, nên từ giờ phải thực hiện ngay. Ở đây không có chuyện Bộ Giao thông vận tải thích hay không, nóng vội hay không, từ thực tiễn yêu cầu cần phải hành động, và đồng thời cũng thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ trong gói giải pháp nhằm hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhà nước đầu tư hạ tầng thì người dân sử dụng cũng phải đóng góp, người dùng ô tô sử dụng nhiều hạ tầng thì phải đóng góp nhiều hơn.
“Một chính sách đưa ra chưa hẳn đã công bằng, nhưng tôi nghĩ rằng 600.000 người đang sử dụng ô tô sẽ ủng hộ và tự hào vì được đóng góp. Tôi không nói có ô tô là người giàu, mà là đỡ nghèo hơn người không có ô tô”, Bộ trưởng Thăng nói.
Theo Bộ trưởng Thăng, có thể thời điểm này đưa ra việc thu phí phương tiện là chưa hợp lý lắm, vì tình hình kinh tế trong và ngoài nước đều đang gặp khó khăn. Nếu làm tốt hơn thì những phí này phải trình từ năm 2010 thì kinh tế tốt sẽ đồng thuận.
Lê Việt
Bình luận