• Zalo

Bộ GTVT giải thích về Quỹ bảo trì đường bộ

Thời sựThứ Ba, 03/04/2012 05:25:00 +07:00Google News

(VTC News) - Theo Bộ GTVT, trong điều kiện vốn ngân sách không thể đáp ứng đủ nhu cầu bảo dưỡng hệ thống đường sá, người sử dụng đường bộ cần chung tay.

(VTC News) - Xung quanh các vấn đề đang được dư luận quan tâm về Quỹ bảo trì đường bộ, nhiều câu hỏi thắc mắc của người dân đã được gửi về Bộ Giao thông vận tải và bộ này đã có văn bản trả lời. Chúng tôi xin trích đăng một số câu hỏi của người dân và ý kiến trả lời của đại diện Bộ Giao thông vận tải về vấn đề này.

>> Bộ trưởng Thăng: Chưa thu phí xe trong năm nay
>> Thu phí phương tiện sẽ gây tăng giá và làm dân bức xúc

- Tại sao phải thành lập Quỹ bảo trì đường bộ?

Đường bộ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong quá trình khai thác, sử dụng, đường bộ cần phải được bảo trì theo yêu cầu kỹ thuật.

Trong những năm qua, Chính phủ cũng đã quan tâm bố trí vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tuy nhiên nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 40% nhu cầu quản lý bảo trì đối với hệ thống quốc lộ, và khoảng 20-30% nhu cầu với hệ thống đường bộ địa phương.

Trong điều kiện vốn ngân sách không thể đáp ứng đủ nhu cầu bảo dưỡng, duy trì chất lượng hệ thống đường sá, người sử dụng đường bộ cần chung tay đóng góp, từng bước đáp ứng nhu cầu vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ.

Bộ GTVT cho rằng, hiện nay ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu bảo trì đường bộ, nên cần sự đóng góp của người sử hụng đường bộ. Ảnh Internet. 

- Ai sẽ phải nộp khoản phí này?

Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ theo quy định tại Nghị định số 18/2012 gồm ô tô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo (sau đây gọi chung là xe ô tô) và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (sau đây gọi chung là mô tô).

Người nộp phí là chủ sở hữu hoặc người sử dụng phương tiện.

- Phương thức thu phí sử dụng đường bộ sẽ được quy định ra sao?

Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 18/2012 quy định phương thức thu, nộp phí sử dụng đường bộ như sau:

Đối với xe ô tô đăng ký trong nước: Giao các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thu trực tiếp theo đầu phương tiện khi kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Đối với xe ô tô đăng ký nước ngoài tạm nhập lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam: Giao các Trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc các Sở Giao thông vận tải thu khi phương tiện làm thủ tục nhập cảnh.

Đối với xe mô tô: Giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thể để UBND xã, phường thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô đảm bảo đơn giản, thuận tiện, tránh thất thoát.

- Mức phí được quy định cụ thể như thế nào?

Theo Đề án thành lập Quỹ bảo trì đường bộ, dự kiến mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô từ 180.000 đến 1.440.000 đồng/tháng (tùy theo tải trọng của xe, xe có tải trọng càng nặng, mức thu càng lớn);

Mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe xe mô tô từ 80.000 đến 225.000 đồng/năm (tùy theo dung tích xy lanh của xe, xe có dung tích xy lanh càng lớn, mức thu càng cao).

Phí sử dụng đường bộ thu được từ mô tô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ của địa phương đó. Phí sử dụng đường bộ thu được từ ô tô phân chia cho Quỹ trung ương 65%, cho các Quỹ địa phương 35%.

- Phương án thu phí qua đầu phương tiện sẽ là không công bằng khi xe đi ít vẫn phải đóng nhiều, mà xe đi nhiều như taxi, xe khách cũng đóng cùng một mức như xe gia đình?

Phương thức thu phí nào cũng có những tồn tại nhất định của nó. Thu theo đầu phương tiện có thể chưa phản ánh chính xác tuyệt đối việc người sử dụng phương tiện nhiều, ít. Phương tiện kinh doanh có thể sử dụng đường nhiều hơn phương tiện phục vụ gia đình.

Tuy nhiên, với hạ tầng như hiện nay chúng ta chưa thể đầu tư công nghệ thu phí hiện đại không dừng, người dân trả phí tự động qua tài khoản hoặc thẻ, cũng không muốn lập thêm trạm thu phí sẽ gây tốn kém, ùn tắc thì phương án thu phí bình quân đầu phương tiện hàng năm là sự lựa chọn phù hợp.
Sau khi thực hiện thu phí bảo trì đường bộ, các trạm thu phí nộp ngân sách sẽ được bỏ, nhưng các trạm BOT sẽ vẫn tiếp tục duy trì. Ảnh NLĐO. 

- Sau khi thu phí phương tiện thì các trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ sẽ được xử lý như thế nào?

Các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước sẽ xóa bỏ, các trạm đang chuyển quyền thu phí cũng sẽ dừng khi hết hạn hợp đồng, còn các trạm thu phí công trình BOT vẫn sẽ giữ nguyên vì đó là hình thức thu hút vốn đầu tư.

- Bộ Giao thông vận tải lại đang tiếp tục đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ. Một phương tiện phải nộp 2 loại phí khi sử dụng đường, có hay không việc phí chồng lên phí?

Không có hiện tượng “phí chồng lên phí” khi thực hiện thu hai loại phí này, và cũng khác nhau cả về mục tiêu thu, đối tượng thu... cụ thể như sau:

Về mục tiêu: Phí sử dụng đường bộ thu để tạo nguồn quản lý bảo trì đường bộ đối với đường do Nhà nước đầu tư; thu để quản lý bảo trì và hoàn vốn đầu tư đối với đường đầu tư để thu hồi vốn (đường BOT, PPP…).

Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ nhằm hạn chế sự gia tăng số lượng phương tiện cá nhân, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; thu để tạo nguồn chi đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đầu tư cho các công trình đảm bảo an toàn giao thông.

Về đối tượng: Phí sử dụng đường bộ thu với tất cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Trong khi đó Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ chỉ thu một phần nhỏ trong số đó; cụ thể là xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe mô tô, không thu phí đối với xe công.

Về tính pháp lý: Phí sử dụng đường bộ là loại phí đã có trong danh mục phí, lệ phí và đang thực hiện.

Trong khi đó, Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ là một loại phí mới, đã được Quốc hội cho chủ trương để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

L.V

Bình luận
vtcnews.vn