• Zalo

Bộ trưởng Thăng ra tay, hàng không giảm chậm, hủy chuyến

Kinh tếThứ Tư, 06/08/2014 03:42:00 +07:00Google News

(VTC News) – Sau khi Bộ trưởng Thăng chỉ đạo quyết liệt, tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không giảm mạnh.

(VTC News) – Sau khi Bộ trưởng Thăng chỉ đạo quyết liệt, tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không giảm mạnh.

Bộ trưởng Thăng ra tay

Tình trạng chấm chuyến hủy chuyến của các hãng hàng không khiến hành khách mệt mỏi trong suốt thời gian dài. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến là 25%. Có thể thấy, tỷ lệ này khá cao, ảnh hưởng lớn tới kế hoạch hành khách.

Ngày 11/7, Bộ Giao thông vận tải có buổi làm việc, nghe Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không giải trình rõ nguyên nhân tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến bay và cách khắc phục.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã nghiêm khắc phê bình lãnh đạo Cục. Bộ trưởng thẳng thắn nếu không biết tự xấu hổ khi chậm chuyến, hủy chuyến thì các hãng hàng không của Việt Nam không thể khắc phục được những yếu kém đang tồn tại.

sân bay
Sau khi Bộ trưởng Thăng quyết liệt, tỷ lệ chậm, huỷ chuyến của hàng không giảm mạnh trong tháng 7

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan phải kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của mình, phải xác định rõ những nguyên nhân thật của việc chậm chuyến hủy chuyến.

Đầu tháng 8, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo Cục Hàng không sửa đổi quy định hiện nay theo hướng tăng dần mức bồi thường cho hành khách bị chậm, hủy chuyến.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các hãng hàng không phải rà soát, đưa vào Điều lệ vận chuyển nội dung chi tiết đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của đơn vị vận chuyển.

Chậm, hủy chuyến giảm mạnh

Sau những chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Cục Hàng không đã có những biện pháp kịp thời. Kết quả là ngay trong tháng 7, tỷ lệ chậm chuyến và hủy chuyến của các hãng hàng không giảm mạnh.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Hàng không, trong tháng 7, các hãng đã thực hiện 15.844 chuyến bay, trong đó số chuyến bay bị chậm là 3.276 chuyến, chếm tỷ lệ 20,7%, số chuyến bay hủy là 182 với tỷ lệ 1,1%. Tỷ lệ chung của toàn ngành Hàng không đã tương đương với hàng không Mỹ.

Trong đó, nguyên nhân khách quan gây ra tình trạng máy bay bị chậm là 9,7%; do tàu bay về muộn chiếm 50,5% và nguyên nhân chủ quan chiếm 39,8%. Trong số các nguyên nhân chủ quan thì do các hãng hàng không chiếm 25,1%; do quản lý bay chiếm 10% và do trang thiết bị, dịch vụ tại cảng hàng không chiếm 4,7% các chuyến bay bị chậm.

Về hủy chuyến, yếu tố thời tiết chiếm 41,2% số các chuyến bay bị hủy; kỹ thuật chiếm 47,3%, còn lại do các lý do khác như không bố trí kịp tổ bay dự kiến, tàu bay sửa chữa, bảo dưỡng quá thời gian dự kiến; bảo dưỡng sửa chữa do hỏng đột xuất…

Cụ thể Jetstar Paciffic có tỷ lệ 31,9% số chuyến bay bị chậm (482 chuyến trên 1.509 chuyến trong tháng 7); VietJet là 24,7%, Vietnam Airlines có 18,2% số chuyến bay bị chậm và Vasco là 8,7%. Như vậy, tỷ lệ chậm chuyến của Vietnam Airlines và VietJet đã ở mức trung bình của hàng không quốc tế.

Trước đó trong 6 tháng đầu năm, số chuyến bay bị chậm của VietJet và Jetstar là hơn 40%, của Vietnam Airlines là hơn 12%.

Liên quan đến kết quả giảm tỷ lệ chậm chuyến gần đây, được biết là do Vietjet đã áp dụng việc điều chỉnh lịch bay, cụ thể là thời gian quay đầu tàu bay tại các Cảng hàng không sân bay (turn around time) tăng từ 30 phút lên thành 35 phút.

Đặc biệt, tại cảng hàng không Vinh và Cát Bi, thời gian này đã được điều chỉnh lên thành 45 phút.

Thu Thủy

Bình luận
vtcnews.vn