• Zalo

Bộ trưởng Thăng đã làm được gì trên cương vị 'tư lệnh ngành giao thông'?

Thời sựThứ Bảy, 14/11/2015 06:00:00 +07:00Google News

bộ trưởng bộ giao thông vận tải, bộ giao thông vận tải, đinh la thăng, tư lệnh ngành

'Xếp hạng tiến bộ của hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam khích lệ tôi thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo. Tôi luôn nhắc nhở bản thân và cấp dưới không thể bằng lòng với những gì mình đã có', Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chia sẻ.

Năm 2011 khi vừa nhậm chức, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phát biểu: "Là tư lệnh phải cho tôi toàn quyền quyết định. Tư lệnh ra chiến trường phải được quyết định chiến đấu, tiến hay lùi”. Tư lệnh ngành giao thông đặt ra 3 mục tiêu cho nhiệm kỳ của mình là giảm tai nạn, giảm ùn tắc và đột phá xây dựng hạ tầng giao thông.

Sau khi nhậm chức, ông Thăng đã "vi hành" để đốc thúc một loạt công trình trọng điểm, liên tục gây chú ý vì những vụ "trảm tướng" khi dự án chậm tiến độ. Trên công trường đường Nội Bài - Nhật Tân, Bộ trưởng Thăng từng nhắc nhở Giám đốc Ban quản lý dự án: "Ghế của ông lung lay rồi đấy. Chỉ có hiệu quả công việc cao thì mới giữ được ông ở vị trí tổng giám đốc".

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng hạ tầng, hơn 4 năm qua, ngành giao thông đã đầu tư nâng cấp, xây mới khoảng 4.400 km đường bộ và hơn 94.000 m cầu, trong đó có 704 km đường cao tốc, vượt 104 km so với kế hoạch đề ra. Cả nước cũng đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo được hơn 131.000 km đường giao thông nông thôn. Nhiều dự án hoàn thành sớm hơn so với thời gian đề ra như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ...

Nhiều sân bay mới được đưa vào khai thác như Phú Quốc, Thọ Xuân, Đà Nẵng, Vinh, đặc biệt là nhà ga T2 sân bay Nội Bài... đưa tổng năng lực thông quan qua các cảng hàng không từ 42 triệu hành khách năm 2010, lên mức 70 triệu hành khách năm 2015.

Người dân vây quanh Bộ trưởng Đinh La Thăng để kiến nghị làm cống qua đường gom tại dự án Nội Bài - Nhật Tân. Ảnh: Đ.Loan
Người dân vây quanh Bộ trưởng Đinh La Thăng để kiến nghị làm cống qua đường gom tại dự án Nội Bài - Nhật Tân. Ảnh: Đ.Loan 

Ngành đường sắt đã xây dựng mới một số nhà ga, nâng cấp, đầu tư kết nối các tuyến để nâng cao an toàn, rút ngắn thời gian chạy tàu, nhất là trục Bắc - Nam. Các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và TP HCM đang được đốc thúc tiến độ, trong đó tuyến Cát Linh - Hà Đông của Hà Nội sẽ đưa vào khai thác trong năm 2016. 

Sau 4 năm, những biện pháp giảm tai nạn và ùn tắc giao thông góp phần làm 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương giảm hàng năm. Việt Nam đạt mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về an toàn giao thông, giảm tỷ lệ tử vong dưới 10 người/100.000 dân. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn cho rằng, tai nạn giao thông đã giảm song chưa bền vững và nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra gây lo ngại cho xã hội.

Tại các thành  phố lớn như Hà Nội, TP HCM, mặc dù hệ thống cầu vượt, đường vành đai, nút giao thông... đã được xây dựng, mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh của phương tiện cá nhân, dẫn đến ùn tắc giao thông triền miên. Riêng Hà Nội có 22 khu vực thường xuyên ùn tắc.

Năm 2011, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã từng đề xuất đổi giờ làm việc, yêu cầu công chức đi làm bằng xe buýt ... Song năm 2015, ngành giao thông chưa có biện pháp quyết liệt giảm ùn tắc tại các thành phố lớn. Về vấn đề này, Bộ trưởng Thăng thừa nhận, cả mức độ tai nạn và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn vẫn đang luôn ở cấp nghiêm trọng.

Chia sẻ với PV, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, điều mà ông trăn trở nhất là số người chết, bị thương do tai nạn giao thông còn ở mức rất cao, trung bình mỗi năm có gần 9.000 người ra khỏi nhà và vĩnh viễn không trở về.

"Tôi không muốn đổ một phần lỗi cho người tham gia giao thông, nếu đường thông hè thoáng, phương tiện được kiểm soát về kỹ thuật, tải trọng, pháp luật nghiêm minh, cơ quan chức trách không còn thái độ vô cảm với cộng đồng... thì tình trạng tai nạn sẽ còn giảm sâu và giảm nhanh hơn nữa", Bộ trưởng Thăng nói.

Các tuyến vành đai Hà Nội thường xuyên bị ùn tắc. Ảnh: Bá Đô
Các tuyến vành đai Hà Nội thường xuyên bị ùn tắc. Ảnh: Bá Đô 

Theo Bộ trưởng Thăng, còn người chết do tai nạn giao thông, nghĩa là mục tiêu của ngành giao thông vẫn chưa thể được coi là thành công. Nếu năng lực hạ tầng giao thông Việt Nam không phải đứng thứ 67 thế giới, mà đứng thứ 40 hoặc cao hơn, sẽ bớt đi những tai nạn đáng tiếc.

"Chúng tôi coi việc giảm tai nạn giao thông là một nghĩa vụ đạo đức, gắn chặt với việc thực hiện các nhiệm vụ khác. Hạ tầng tốt lên sẽ giúp giảm tai nạn, ùn tắc", Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

"Tôi luôn nhắc nhở bản thân và cấp dưới không thể bằng lòng với những gì mình đã và đang làm. Mọi mục tiêu đều còn đang ở dang dở, đều có nguy cơ không thành công nếu chủ quan, tự mãn", Bộ trưởng Thăng nói.

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân bức xúc trước tình trạng xe quá khổ, quá tải tiếp tục vi phạm làm nhiều đoạn đường xuống cấp rất nhanh, gây tai nạn và ách tắc giao thông; xuất hiện một số đường dây mua bán lô gô “xe vua” cho xe quá tải vượt các trạm kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông ở một số tỉnh; Đề nghị Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải có giải pháp xử lý nghiêm khắc tình trạng trên. 

Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra thường xuyên ở một số tuyến phố trọng điểm của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bán hàng chưa được xử lý triệt để. 

Cử tri và nhân dân quan tâm đến việc thi công các công trình giao thông còn chậm, đề nghị giám sát và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng. Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp các tuyến đường ở nông thôn, miền núi; đầu tư xây dựng các cầu, tuyến đường lưu thông giữa các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa với thành thị để tạo điều kiện nâng cao đời sống, thuận lợi trong việc đi lại cho người dân.

Nguồn: VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn