• Zalo

Bộ trưởng Tài chính: Giá điện năm 2012 sẽ tăng 4,6%

Kinh tếThứ Năm, 24/11/2011 01:46:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Theo Bộ trưởng Huệ, giá thành điện năm 2012 có mức tăng khoảng 4,6% trong đó tính lãi EVN là 0 đồng.

(VTC News) -  (VTC News) -  Kịch bản điều hành giá điện 2012 sẽ theo nguyên tắc điều chỉnh dần, sau khi đã phân bổ các chi phí, giá điện năm 2012 sẽ tăng từ 10 – 15,28% của lần điều chỉnh giá trước, tùy thời điểm thực hiện sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đúng như dự đoán, Bộ trưởng Vương Đình Huệ liên tục bị ĐB Quốc hội "dội" chất vấn xung quanh các vấn đề liên quan đến công tác điều hành giá xăng dầu và giá điện, tình hình lạm phát, vấn đề tăng thu, chống bội chi ngân sách, nợ công,…

Giá xăng nhảy múa khiến tôi “long đầu hoa mắt”

 

Trước tình hình giá xăng trong nước điều chỉnh không theo giá xăng thế giới, khi giá xăng thế giới tăng thì giá trong nước cũng ngay lập tức được điều chỉnh tăng theo, nhưng khi giá thế giới hạ, giá trong nước lại không giảm theo. Đại biểu Đặng Thế Vinh (Long An) đặt câu hỏi “Vậy Bộ Tài chính lý giải thế nào về vấn đề này và giải pháp Bộ trưởng đưa ra là gì?”.



Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ 
Cùng chung bức xúc, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) còn ví von sự tăng, giảm của giá xăng và giá điện hiện nay khiến người dân phải “long đầu hoa mắt”, không biết được thực hư lỗ, lãi thế nào: “Xin Bộ trưởng cho biết, khi nào thì giá xăng sẽ được công khai minh bạch”.

 

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, nguyên tắc trong nền kinh tế là quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, định hướng của nhà nước.

 

Đối với vấn đề giá xăng, việc các đại biểu thấy giá xăng “nhảy múa” là vì tại thời điểm hồi tháng 3, khi giá xăng điều chỉnh thì cùng lúc đó tỷ giá và giá điện cũng được điều chỉnh.

 

“Đúng là thời gian vừa qua, giá xăng dầu thế giới cũng “nhảy múa” thật, nhưng ở Việt Nam, điện mới điều chỉnh 1 lần hồi tháng 3, còn xăng dầu thì điều chỉnh 4 lần, 2 lần tăng, 2 lần giảm”, Bộ trưởng Huệ nói.

 

Mặt khác, xăng dầu ở Việt Nam vẫn phải nhập khẩu, vì vậy, giá đầu vào và đầu ra vẫn phải điều chỉnh theo giá thế giới. Giá bán cũng cần phải lưu ý là giá thành phẩm, chứ không phải là giá dầu thô, do đó, 2 giá này có thể vận động không trùng khớp nhau, nên nhiều khi bà con thấy giá dầu giảm nhưng giá xăng lại không giảm.

 

Liên quan đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đề nghị được biết hiện các doanh nghiệp xăng dầu đang kinh doanh lỗ hay lãi và vừa qua Bộ Tài chính có thành lập 2 tổ điều tra xăng dầu, vậy kết quả kiểm tra như thế nào, giá bán lẻ đã đúng chưa, đề nghị Bộ Tài chính công khai giá.

 

Theo Bộ trưởng Huệ, vấn đề khiến đại biểu băn khoăn là vì doanh nghiệp xăng dầu luôn kêu lỗ nhưng công bố IPO thì lại lãi. Trước năm 2008, nhà nước chỉ phải bù lỗ cho dầu vì phải điều hành dầu để sản xuất. Đến năm 2008, thì bỏ cơ chế bù lỗ này, xăng và dầu hoạt động theo cơ chế bình thường. Kết quả là năm 2008, Petrolimex lãi 13,7 tỷ đồng, năm 2010 lãi 314 tỷ đồng. Tức là năm nào cũng lãi, riêng năm 2011, theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối nếu không có biến động tỷ giá hồi đầu tháng 3 và đầu mối thực hiện đúng định mức bán hànglà 600 đồng/lít thì không có chuyện lỗ.

 

Về kết quả kiểm tra xăng dầu, Bộ trưởng Huệ cho biết, các đoàn kiểm tra đang tiến hành, khi có kết quả sẽ báo lại để đại biểu và nhân dân được biết.

 

Liên quan quỹ bình ổn giá xăng, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) muốn được biết quan điểm của Bộ Tài chính về việc duy trì quỹ này và làm thế nào để minh bạch được hoạt động của quỹ.

 

Bộ trưởng Huệ cho rằng, không có bình ổn sẽ rất khó khăn, quỹ bình ổn giá chỉ được sử dụng để bình ổn giá. Tính tới năm 2011, quỹ này còn khoảng 2.500 tỷ đồng. Đây là nguồn khá lớn để bù đắp tổn thất cho doanh nghiệp xăng dầu.

 

Về việc minh bạch quỹ này, Bộ trưởng Huệ cho rằng, thời gian tới sẽ có sự điều chỉnh. Trước kia, quỹ bình ổn được đặt ở doanh nghiệp có thể tránh cơ chế - xin cho và thí điểm thấy có lãi thật, vì vậy Bộ Tài chính đang nghiên cứu để xem có nên chuyển hẳn quỹ này về doanh nghiệp như trước đây không.

 

Phần trả lời về giá xăng của Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhận được sự đồng tình của rất nhiều đại biểu, tuy nhiên đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) vẫn cho rằng, cần phải có các giải pháp đột phá, căn cơ thì mới minh bạch được giá xăng dầu.

 

Ông Huệ cho rằng, cần phải khôi phục lại giá cơ sở, nếu giá giảm sẽ giảm, còn tăng sẽ tăng, tăng thế nào sẽ căn cứ vào kinh tế vĩ mô. Thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu điều chỉnh giá xăng theo chu kỳ mới, có thể rút ngắn thời gian điều chỉnh xuống 10 ngày, để theo được nhịp thay đổi của giá dầu thô trên thế giới. Đồng thời, sẽ siết chặt mức chiết khấu cho các đại lý xăng dầu.


Lỗ điện phần nhiều do bao cấp chéo cho xi măng, thép

Theo số liệu được kiểm toán, năm 2010 EVN lỗ 23.500 tỉ đồng do EVN phải thực hiện mua điện giá cao do DN ngoài ngành bán.

 

Tổng sản lượng thuỷ điện chỉ chiếm 40% (8.043 tỉ là do mua điện giá cao). Lỗ và lãi đầu tư ngoài ngành không được tính vào số lỗ kinh doanh điện của EVN. Chênh lệch tỉ giá lỗ 15.000 tỉ đồng do tỉ giá biến động thường xuyên, DN càng sử dụng ngoại tệ nhiều càng lỗ lớn.

 

Năm 2011, kế hoạch lỗ về điện của EVN là trên 11 nghìn tỉ đồng, hết 9 tháng lỗ thực chỉ 668 tỉ đồng do gặp thuận lợi vì nước về nhiều từ tháng 4,5,6.

 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Huệ thì việc lỗ của EVN là do cơ cấu giá thành điện vẫn còn bao cấp cho sản xuất thép, xi măng. Trong đó phần lớn các DN sản xuất thép là liên minh đầu tư của DN nước ngoài. Các DN này lợi dụng việc hưởng lợi từ giá điện thấp nhập phôi về sản xuất và xuất khẩu thép thương phẩm.

 

Bộ trưởng Huệ cũng thẳng thắn trả lời, việc EVN mua điện ép giá các nhà máy thuỷ điện “là có thật”.

 

Thực tế là ngoài nhóm EVN phải mua giá cao gây ra khoản lỗ hơn 8.000 tỉ đồng của năm 2010 thì còn có một nhóm nữa là EVN mua điện hợp đồng giá thấp. Tuy nhiên việc mua bán này cũng theo nguyên tắc thị trường, kí hợp đồng 40 năm không điều chỉnh giá và “2 bên vui vẻ với nhau”. Nhưng hiện nay có 2 vấn đề là chênh lệch tỉ giá và lãi suất cao nên sinh ra tình trạng sản xuất điện bán ra không đủ bù chi phí.

Tuy đánh giá cao việc kiên quyết điều hành giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhưng đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) vẫn tỏ ra băn khoăn về  EVN luôn kêu lỗ trong khi lại đi đầu tư ngoài ngành.

 

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, theo kết quả kiểm toán, năm 2010, EVN lỗ 8.040 tỷ đồng do mua điện giá cao của các doanh nghiệp ngoài ngành bán, 15.000 tỷ đồng do tỷ giá. Và việc đầu tư ngoài ngành thì có ngành lãi, có ngành lỗ. Báo cáo kiểm toán cũng ghi rõ, khoản lỗ 8.040 tỷ đồng này không liên quan đến đầu tư ngoài ngành.

 

Về giá điện, ông Huệ khẳng định, nếu giá không phù hợp khó thu hút được vốn đầu tư và như vậy, căng thẳng về điện vẫn tiếp diễn. Giá cả không thể tiếp tục bao cấp. Than đang tính giá bán cho điện thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm cùng loại.

 

Mặt khác, giá điện hiện nay cũng đang bao cấp cho một số lĩnh vực sản xuất thép, xi măng. Điện cung cấp cho các lĩnh vực này chiếm 11%. Giá bán cho xi măng, thép có 914 đồng. Như vậy, điện đang bao cấp chéo cho thép lên đến 2.547 tỷ đồng.

 

Trả lời về kịch bản 2012, ông Huệ cho biết, giá điện của năm 2012 sẽ là giá của 2011 cộng thêm các chi phí, tỷ giá lấy theo năm 2011 và không tính các khoản lãi của EVN, giữ nguyên giá tiêu thụ than cho điện.

Theo tính toán, giá thành điện năm 2012 sẽ tăng khoảng 4,6%. Ngoài ra, khi tính giá điện bán lẻ sẽ chỉ phân bổ 1/4 lỗ của năm 2010, 1/3 lỗ mua điện ngoài.

 

Như vậy năm 2012 giá điện vẫn tăng nhưng tăng ở mức kiềm chế. Giá điện bán cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ như hiện nay và thấp hơn mức bình quân chung, ông Huệ khẳng định.

 

Chính phủ đã phải rất cân nhắc trong việc điều hành giá bán điện, bởi nếu tính đúng, tính đủ, giá điện đã lên mức rất cao.

 

“Tôi là Bộ trưởng, cũng là đại biểu Quốc hội và là một cử tri, tôi đã trao đổi với rất nhiều đồng chí là các đồng chí nghĩ sao khi mỗi năm tiết kiệm 10% chi phí sản xuất và quản lý thường xuyên để an sinh xã hội và tái cơ cấu sản xuất. Nếu các doanh nghiệp chia sẻ với EVN, thì EVN cũng sẽ chia sẻ với cả nước. Đây không chỉ là mong muốn, hy vọng mà gọi là đề nghị cũng được”, Bộ trưởng Huệ nói.

 

Liên quan đến ngành điện, Đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) tỏ ra lo lắng về tình hình sản xuất của nhiều nhà máy điện hiện nay. Qua phản ánh của nhà sản xuất điện thì nguy cơ phá sản là rất cao vì hiện EVN mua điện giá quá thấp, thấp hơn giá thành sản xuất, các doanh nghiệp này cũng không biết kêu cứu ai trong khi đang bị buộc bán hàng hóa thấp hơn chi phí sản xuất. Chính sách mua điện hiện nay đang chỉ có lợi cho EVN.

 

“Vậy là người đầu ngành tài chính Quốc gia, Bộ trưởng cho biết nhận định vấn đề này và có giải pháp nào để các nhà máy này sản xuất có lãi để duy trì hoạt động không?”, đại biểu đặt câu hỏi.

 

Bộ trưởng Huệ cho rằng, việc EVN mua điện của các nhà máy này với giá thấp là có thật. Nhưng cái này cũng là theo nguyên tắc thị trường, ký theo hợp đồng là 40 năm và không điều chỉnh giá. Chỉ có 2 vấn đề phát sinh là việc chênh lệch tỷ giá và mức lãi suất cao, nên giá mua của các đơn vị này không đủ bù đắp chi phí.

 

“Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đã có chỉ đạo từng bước điều chỉnh cho các doanh nghiệp sản xuất điện để giảm bớt khó khăn”, ông Huệ khẳng định.

 

Về lương của ngành điện năm 2009 được công bố là 7,3 triệu đồng/tháng, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng lương cao nếu doanh nghiệp làm ăn tốt thì rất đáng khích lệ. Nhưng EVN lại liên tục kêu lỗ, thì lương cao như vậy liệu có hợp lý.

 

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề quan trọng là tiền lương phải phù hợp với năng suất lao động và có đúng với quy định hay không.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn