Hôm 26/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vạch ra các khả năng Moskva mở rộng hoạt động quân sự ở Ukraine, nhấn mạnh quá trình thực hiện chiến dịch sẽ phụ thuộc vào việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Kiev.
“Điều đó phụ thuộc vào loại vũ khí sẽ được cung cấp”, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu nói.
“Tầm bắn của các hệ thống tên lửa phương Tây gửi đến Ukraine càng dài, Nga càng buộc phải đẩy mối đe dọa đó ra khỏi biên giới của mình. Đó là điều hiển nhiên", ông Sergei Shoigu cho biết thêm.
Ukraine kêu gọi các nước ủng hộ phương Tây cung cấp nhiều vũ khí tầm xa hơn, khẳng định rằng những hệ thống như vậy là cần thiết để đẩy quân đội Nga.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 18/2 tuyên bố Anh sẽ là quốc gia đầu tiên cung cấp vũ khí tấn công tầm xa cho Ukraine, đồng thời mở rộng gói viện trợ quân sự cho Kiev. Ông Sunak không nói rõ Anh sẽ viện trợ vũ khí nào cho Ukraine. Trong năm 2022, Anh đã viện trợ quân sự khoảng 2,8 tỷ USD cho Ukraine, chỉ xếp sau Mỹ.
Tuy nhiên, mới đây, Mỹ và Anh cho biết sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine trong thời gian tới. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng máy bay chiến đấu này “không phải vũ khí chính” mà quân đội Ukraine cần vào lúc này.
Các nhà lãnh đạo của Pháp và Hà Lan đều tuyên bố rằng ý tưởng viện trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine đang được xem xét. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhiều lần từ chối các yêu cầu của Ukraine về máy bay phản lực.
Gần đây, các nước phương Tây đã cam kết cung cấp cho Ukraine xe tăng chiến đấu hạng nặng. Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.
Bình luận