Trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp chiều 8/11, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, nhắc lại sự cần thiết xây dựng luật này. Theo đó trước đây chúng ta đã có Pháp lệnh về Công nghiệp quốc phòng (năm 2008), Pháp lệnh về Động viên công nghiệp (năm 2003) nhưng chưa có chế tài nào về công nghiệp an ninh ngoài Nghị định 63 năm 2020 của Chính phủ.
Để đạt mục tiêu chính sách quốc phòng 4 không theo quan điểm "hiện đại, tự lực, tự cường, tự chủ", theo Đại tướng Phan Văn Giang, cần đưa công nghiệp quốc phòng, an ninh trở thành mũi nhọn của đất nước. Đặc biệt, cần có cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân lực cho ngành.
Bộ trưởng Quốc phòng nêu dẫn chứng, Viettel được như ngày hôm nay là do có cơ chế đặc thù thu hút nhân lực: "Có người ở nước ngoài lương tính ra tiền Việt khoảng 300-400 triệu đồng/tháng. Khi về Việt Nam, họ muốn lương phải được 150 triệu đồng/tháng. Về nước cống hiến, được kết nạp Đảng, trở thành sỹ quan và chỉ huy cũng là nguyện vọng của đại đa số các nhà khoa học".
Có những người từng làm cho Boeing, Airbus, Lockheed Martin, lương rất cao, cuộc sống đầy đủ, nhưng vẫn về Việt Nam để làm việc. "Đây là những người giỏi nên phải có chính sách riêng để đãi ngộ họ", Đại tướng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) cho rằng cần có chính sách thu hút nhà khoa học không phải sỹ quan, đang làm việc tại các viện, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước.
"Đây là những người rất giỏi về công nghệ lõi, công nghệ nền. Chúng ta phải có cơ chế, chính sách thu hút họ", ông Công nói, đề nghị luật thể hiện rõ hơn chính sách này.
Theo đại biểu này, với các nhà khoa học đầu ngành, ngoài cơ chế lương bổng, đãi ngộ thì cần có cơ chế bảo vệ: "Rất nhiều quốc gia có những nhà khoa học đầu ngành được đưa vào chế độ bảo vệ như yếu nhân, bởi để có được một nhà khoa học không đơn giản, trong hàng triệu người mới có một người".
Bộ Quốc phòng đánh giá, việc xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp nhằm mục đích hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển quốc phòng, an ninh,
Dự án luật tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở động viên công nghiệp.
Dự thảo có 5 nhóm chính sách chính: Công nghiệp quốc phòng, an ninh; Chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; Chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Hợp tác quốc tế công nghiệp quốc phòng, an ninh; Trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Bình luận