Chiều 11/6, phát biểu làm rõ trước các đại biểu Quốc hội, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích thêm về chính sách cho sư phạm.
"Trong thực tế chúng tôi cũng đã chỉ đạo quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm theo hướng tập trung vào một số trường có điều kiện tốt để nâng cao chất lượng đào tạo. Sinh viên vào thì theo hướng là xác định nhu cầu sử dụng ở các địa phương theo chương trình sách giáo khoa mới và gắn với đào tạo để từng bước đào tạo gắn với sử dụng.
Chỉ khi nào học sinh vào trường sư phạm đã biết được ra trường có việc làm, thì lúc đó thu hút học sinh giỏi mới cao", người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.
Bộ trưởng Nhạ cũng bày tỏ tán thành việc tín dụng sư phạm. Đây chỉ là một giải pháp không phải là quyết định, mà xét về mặt tài chính.
"Tôi thấy ý kiến của đại biểu nói rằng phải có một quỹ học bổng mà cấp học bổng cho những sinh viên giỏi vào sư phạm và đảm bảo đầu ra ra trường, đấy mới là căn cơ về tài chính. Chúng tôi tiếp thu việc này tham mưu tiếp, còn việc tín dụng sư phạm là giải pháp thôi chứ không phải căn cơ", ông Nhạ nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu để làm sao vẫn đảm bảo được hiệu quả, công bằng, tạo được động lực cho các học sinh giỏi vào ngành sư phạm.
Làm rõ thêm về tự chủ, Bộ trưởng Nhạ khẳng định tự chủ là cần thiết nhưng chủ yếu là bậc đại học, chứ đối với phổ thông thì đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tăng cường vai trò chủ động sáng tạo của các trường học chứ không hiểu tự chủ của phổ thông giống đại học.
"Về học phí trong dự thảo là tính đúng, tính đủ nhưng tôi vẫn khẳng định với cấp học mầm non phổ thông, đặc biệt phổ cập, nhà nước vẫn phải có trách nhiệm cơ bản. Đây là bậc học mà thực tế Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục của bậc học này nên dù là tính đúng, tính đủ nhưng thực tế có nhiều chính sách nhà nước bao cấp, học bổng, miễn học phí.
Đây là nguồn cơ bản khuyến khích xã hội hóa, nhưng đối với bậc học này nhà nước vẫn có vai trò chủ chốt. Đối với bậc đại học nhà nước vẫn có trách nhiệm nhưng khuyến khích tự chủ. Nhưng trách nhiệm ở đây thông qua giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu chứ không bao cấp", Bộ trưởng Nhạ làm rõ về học phí.
Video: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Tôi khẳng định ngay vẫn gọi học phí, không ai bỏ học phí'
Bộ trưởng Nhạ khẳng định cơ cấu lại 20% ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường cho mầm non, tiểu học và tiến tới trung học cơ sở, đặc biệt các khu khó khăn miền núi, hải đảo.
"Đối với đại học có quan tâm nhưng khuyến khích xã hội hóa. Trong các bậc học vai trò của nhà nước là quan trọng chứ không phải đối với đại học là khoán cho xã hội hóa", người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.
Ngoài ra, ông Nhạ cũng cho biết tên của Luật Giáo dục, theo Nghị quyết 34 của Quốc hội khóa trước cho phép sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Chính phủ chỉ đạo thực hiện.
"Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi rà soát tất cả các điều của Luật Giáo dục và xét thấy khó có thể sửa được một số điều đáp ứng được mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Tinh thần là chúng tôi chuẩn bị sửa đổi toàn diện, kỳ họp này chúng tôi trình theo Nghị quyết 34 nhưng trong thực tế chúng tôi đã chuẩn bị, nếu được Quốc hội cho phép đổi tên thành Luật Giáo dục 2018 thì chúng tôi tiếp tục làm sâu sắc thêm những nội dung trong sửa toàn diện theo hướng đánh giá thực tiễn và đánh giá tác động để chúng tôi có một dự thảo trình Quốc hội ở lần họp sau đầy đủ hơn, tốt hơn. Chúng tôi xét thấy những nội dung mà các đại biểu đưa ra rất xác đáng và tiếp tục hoàn thiện", Bộ trưởng Nhạ nói.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tiếp cận theo hướng xây dựng một Bộ luật Giáo dục, trong đó Luật Giáo dục là luật khung quy định những vấn đề có tính nguyên tắc rất căn bản với một tầm nhìn dài, theo đó sẽ cụ thể bằng các chuyên ngành.
"Trước hết đã có Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học mà chiều mai xin ý kiến Quốc hội sửa đổi, còn bậc mầm non, phổ thông, nhà giáo... thì trước mắt chưa xây dựng được luật, trong sửa đổi lần này chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ chi tiết hơn, cụ thể hơn để thực hiện được ngay ở mức rất căn bản, và theo đó có thể xây dựng được các luật, ví dụ như Luật Nhà giáo", Bộ trưởng Nhạ nói thêm.
Bình luận