Dư luận vẫn hay nói rằng Việt Nam không thiếu người tài thì lo gì không tìm được Chủ tịch VFF có cả tâm lẫn tầm. Tuy nhiên, sau một thời gian dài chưa có ứng viên nào thực sự sáng giá lộ diện, có thông tin ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL có thể được đề cử cho vị trí Chủ tịch VFF. Báo điện tử VTC News phỏng vấn nhà báo Doãn Hữu Bình, Trưởng ban biên tập Tạp chí Thể thao về vấn đề này.
- Theo ông, ý tưởng đề cử Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện vào vị trí Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam xuất phát từ đâu?
Người tài thì không thiếu nhưng vấn đề là người tài có quan tâm, yêu mến bóng đá không. Thứ hai là họ có sẵn sàng đánh đổi một số thứ trong đó có cả uy tín của mình không. Thông thường lãnh đạo bóng đá bị công kích rất nhiều nên những người đó phải sẵn sàng chấp nhận những rủi ro nhất định về mặt uy tín trước công luận. Bóng đá là môn thể thao được công luận quan tâm nhiều nhất đồng thời là áp lực lớn nhất.
Người ta e sợ vì sự phức tạp của dư luận. Trong thời gian qua có 1 luồng dư luận theo hướng "đánh đấm" nhắm vào một vài vị trí chủ chốt của liên đoàn. Sự công kích vừa rồi xuất phát từ những đội ngũ, trong đó có một bộ phận báo chí và truyền thông phục vụ một mục đích nào đó, một ứng viên nào đó cũng đang nhắm tới vị trí trong liên đoàn. Những người khác nhìn vào cảm thấy e sợ.
Nếu Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ứng cử thì cũng chỉ là bất đắc dĩ. Công việc của một Bộ trưởng của một Bộ đa ngành rất bận. Cả ba ngành văn hóa, thể thao, du lịch đều có những vấn đề, những công tác quan trọng. Nếu Bộ trưởng làm lãnh đạo trực tiếp cho riêng một tổ chức xã hội nghề nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian và tạo thêm những áp lực.
- Vậy Bộ trưởng lên làm Chủ tịch VFF có phải là ý hay?
Có Bộ trưởng giữ chức Chủ tịch VFF thì việc thúc đẩy chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam sẽ tốt hơn.
Nhà báo Doãn Hữu Bình
Có hai vế: Bộ trưởng nhận lời và Trung Ương chấp thuận. Bộ trưởng nhận lời là thứ nhất. Thứ hai là Bộ trưởng có được phép ứng cử không thì còn phụ thuộc vào Trung Ương nữa vì Bộ trưởng cũng là Ủy viên Trung Ương Đảng.
Việc ra ứng cử phải do cấp Trung Ương phê duyệt. Trọng trách của Bộ trưởng lớn như thế, người ta sẽ phải cân nhắc liệu sang đấy thì ông sẽ sắp xếp công việc như thế nào.
Nếu Bộ trưởng được phép ứng cử và trở thành Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam thì trước mắt có thể nhìn thấy được những cái lợi cho nền bóng đá nói chung và VFF nói riêng. Trước hết là với uy tín của mình, Bộ trưởng có thể thay mặt ngành thể thao, trên cả liên đoàn và làm việc với các bộ, ban, ngành khác trong một số lĩnh vực như phát triển bóng đá học đường, bóng đá phong trào hay quỹ đất cho bóng đá.
Thông thường những việc như vậy VFF làm việc với địa phương rất khó vì không đủ thẩm quyền. Phải là cấp Bộ trưởng mới nắm rõ được tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để làm việc với địa phương. Nếu Bộ trưởng làm Chủ tịch VFF thì điều này chắc chắn là rất có ích. Thứ hai là Bộ trưởng cũng thay mặt cơ quan quản lý nhà nước nắm rõ hệ thống phát triển bóng đá đỉnh cao.
Đó là những điểm tích cực thấy rõ. Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề khác cần sự phối hợp với các ban ngành, đặc biệt là thực hiện chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030. Chiến lược 2020 còn 2 năm nữa hết rồi. Chúng ta còn nhiều mục tiêu chưa đạt được, ví dụ top 10 châu Á, bởi VFF thời gian qua mải mê chạy theo sự vụ, có nhiều việc đề ra rồi nhưng VFF lại không đủ thẩm quyền và Bộ VH-TT-DL cũng chưa sâu sát.
Việc đấy cần sự cộng hưởng của nhiều bộ, ban, ngành chứ không chỉ liên đoàn. Ví dụ như bóng đá học đường, cấp phong trào địa phương, quy hoạch đất đai cho bóng đá. Vấn đề đó nằm ngoài khả năng của liên đoàn và thậm chí là cả ngành TDTT. Có Bộ trưởng giữ chức Chủ tịch VFF thì việc thúc đẩy chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam sẽ tốt hơn.
- Tuy nhiên một lãnh đạo cấp Bộ trưởng, vốn giữ trọng trách rất lớn ắt phải có những trở ngại nếu làm Chủ tịch của một tổ chức xã hội nghề nghiệp?
Nếu Bộ trưởng làm Chủ tịch VFF, dư luận sẽ đặt ra vấn đề bất cập là có hay không chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi và thực tế đã dấy lên rồi. Bộ trưởng là người giữ vị trí cao nhất, trên cả ngành TDTT, là lãnh đạo cơ quan nhà nước trong khi VFF lại là tổ chức xã hội nghề nghiệp mà theo khuyến cáo của FIFA và AFC thì rất hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động.
Bộ trưởng nếu ngồi ghế Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam phải phân định rõ tầm nhìn của Bộ trưởng và Chủ tịch liên đoàn, phải mang tư duy của người lãnh đạo liên đoàn, quyền hạn tới đâu.
Bộ trưởng hiểu rõ hơn về định hướng phát triển kinh tế xã hội, nhưng ở vị trí Chủ tịch liên đoàn thì ông phải nhìn phải nhìn mọi vấn đề theo góc độ của một vị Chủ tịch liên đoàn chứ không phải là đóng vai Bộ trưởng ban lệnh trực tiếp, khi đó mới tránh được việc dư luận nói vừa đá bóng vừa thổi còi.
Bất lợi thấy rõ nữa là các vị trí mà Bộ trưởng đang nắm giữ. Hiện nay Bộ trưởng cũng là chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia. Vừa làm cấp trên vừa làm lãnh đao trực tiếp của LĐBĐ, nếu dư luận không hiểu đúng thì Bộ trưởng sẽ phải chịu áp lực, ảnh hưởng nhiều đến uy tín.
Nếu Bộ trưởng chấp nhận bước vào thử thách mới này thì ông cần một đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, tư vấn, nếu không thì vừa căng thẳng công việc vừa có nguy cơ dẫn tới những hệ lụy không đáng có. Dù sao tôi vẫn mong chờ khía cạnh tích cực nhiều hơn vì đây có thể sẽ là lần đầu tiên một lãnh đạo tầm Bộ trưởng, Ủy viên Trung Ương Đảng làm Chủ tịch VFF.
- Việc Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện được đề cử, nếu thực sự xảy ra, sẽ giúp ổn định tình hình VFF trước thềm Đại hội khóa VIII?
Chắc chắn rồi. Việc chuẩn bị cho Đại hội VFF khóa VIII bị kéo dài là vì vấn đề nhân sự. Về cơ bản trước mỗi Đại hội thì xong nhân sự tức là xong 60-70% rồi. Còn lại phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch, tổ chức là phần theo sau. Nhân sự luôn là phần quan trọng nhất, đặc biệt là Chủ tịch và các Phó Chủ tịch.
Bộ trưởng nếu ngồi ghế Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam phải phân định rõ tầm nhìn của Bộ trưởng và Chủ tịch liên đoàn, phải mang tư duy của người lãnh đạo liên đoàn, quyền hạn tới đâu.
Bộ trưởng có thể giải quyết được vị trí Chủ tịch, nhưng cũng phải nhìn lại những vị trí Phó Chủ tịch nữa. Theo tôi thấy ghế Phó Chủ tịch có nhiều ứng viên, nhưng đông mà không tinh. Nếu làm Chủ tịch, Bộ trưởng phải có sự hỗ trợ rất tốt từ các Phó Chủ tịch. Họ là người đứng ra thay mặt Chủ tịch điều hành, quản lý các mảng hoạt động riêng.
Ngoài ra các lãnh đạo trong liên đoàn cũng cần có sự đoàn kết. Đây cũng là vấn đề khiếm khuyết rất lớn của khóa VII. Khi các lãnh đạo không nhìn cùng một hướng, thậm chí có những người nhìn vào quyền lợi của mình nhiều hơn cho tập thể thì sẽ xảy ra rất nhiều hệ lụy, bê bối.
Sau ASIAD, hi vọng VFF có thể tổ chức Đại hội sớm. Đại hội khóa VIII bị hoãn quá lâu rồi, người trong cuộc mệt mỏi, dư luận cũng mệt mỏi còn các đội bóng, các đơn vị cần nhìn thấy minh chủ ở đâu để còn bước tới. Hi vọng là không kéo dài quá. Để mà làm được việc đó thì công tác nhân sự phải hoàn thiện sớm. Ví dụ nếu Bộ trưởng ứng cử thì mong là sớm được cấp cao thông qua. Khi đó chúng ta mới yên tâm là Đại hội sẽ chọn ra đúng người vào bộ máy lãnh đạo.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Bình luận