Chiều 3/11, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017, trước câu hỏi của báo chí về vấn đề áp dụng cơ chế đặc thù cho TP.HCM, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời chi tiết về vấn đề này.
Cụ thể, báo chí đặt câu hỏi: Hôm nay, theo chương trình Quốc hội, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo quy chế, chính sách thí điểm cho TP.HCM. Đây là việc TP.HCM đang rất mong chờ. Tuy nhiên sau đấy Quốc hội lùi lại, hiện tại thì chưa rõ sẽ thực hiện lúc nào.
Chương trình họp Chính phủ hôm nay có thảo luận về vấn đề này. Việc lùi này có phải do Chính phủ chưa bố trí được thời gian cho ý kiến không? Và liệu hôm nay trong chương trình làm việc của phiên họp Chính phủ có thảo luận thì có kịp trình Quốc hội thảo luận việc này không? Những nét chính về cơ chế, chính sách của Dự thảo này như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hôm nay, Chính phủ dành thời gian thảo luận đề xuất của Chính phủ về cơ chế, chính sách thí điểm để phát triển TP.HCM. Trên cơ sở TP.HCM đã làm việc với các bộ, Chính phủ sẽ tham mưu cho Bộ Chính trị, trình Dự thảo lên Quốc hội, dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14.
Đây là một Nghị quyết được dư luận cả nước rất quan tâm, ban hành Nghị quyết này rất cần thiết với TP.HCM vì đây là đầu tàu kinh tế có vị trí cực kỳ quan trọng, đóng góp GDP khoảng từ 27-28% GDP của cả nước, đóng góp Ngân sách chung của cả nước từ 25-26%.
“Với một đầu tàu như thế cần có cơ chế thí điểm cho Thành phố về 4 vấn đề. Đó là vấn đề liên quan đến quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai; cơ chế quản lý về đầu tư; cơ chế quản lý về tài chính của Ngân sách Nhà nước; cơ chế ủy quyền, về thu nhập cán bộ công nhân viên chức thuộc quyền quản lý của Thành phố. Đây là những nội dung rất lớn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giải thích: “Quan điểm tại sao đặt vấn đề thí điểm? Đó là những nội dung đã có ban hành, ngay cả luật, pháp lệnh, và các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhưng trong thực tiễn có thể chưa phù hợp, thì chúng ta phải thống nhất với nhau có cơ chế thí điểm đột phá, đổi mới, hiệu quả.
Hướng thứ hai, trong thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội rất cần nhưng chưa có quy định để điều chỉnh thì chúng ta cần thí điểm. Trên cơ sở nguyên tắc như vậy, hôm nay Chính phủ có thảo luận với TP.HCM là đầu tàu như thế cần có cơ chế thí điểm, kể cả vấn đề phân quyền, phân cấp”.
Theo người phát ngôn Chính phủ, với sự năng động đổi mới sáng tạo của TP.HCM thì cơ chế đặc biệt sẽ phù hợp, tạo điều kiện cho Thành phố phát triển nhanh, linh hoạt khi được phân cấp, phân quyền.
Trước đó, đầu tháng 9/2017, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và các cơ chế chính sách đặc thù đối với địa phương này.
Trình bày đề xuất cơ chế đặc thù của TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP.HCM trong hơn 40 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,5 lần cả nước.
Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của Thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu. Hơn 30 năm đổi mới, cơ chế, chính sách phát triển của TP.HCM không khác gì so với các địa phương khác. Song do có các đặc thù, lợi thế của Thành phố mà trong điều kiện chung đó, Thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt trội hơn cả nước.
4 nội dung về cơ chế đặc thù của TP.HCM đã kiến nghị với Trung ương bao gồm:
Một là, phân cấp ủy quyền cho HĐND, UBND và Chủ tịch UBND Thành phố một số quyền cụ thể để quyết định nhanh và hợp lý. Cho phép TP.HCM được phân cấp, ủy quyền cho các giám đốc sở ngành, quận huyện nhiều hơn, để quyết định, giải quyết công việc nhanh hơn. Trong phân cấp, ủy quyền có một nguyên tắc, đó là với mỗi ngành, mỗi nội dung chỉ có một cấp quyết định.
Hai là, những vấn đề gì TP.HCM giải trình và xin có thời hạn sau 4 tháng mà các bộ ngành trung ương không trả lời thì coi như đồng ý thực hiện. TP.HCM là địa phương lớn nhất cả nước thì phải có cơ chế tự chủ về tài chính bằng với tỷ lệ dân số. TP.HCM phải bảo đảm và giữ vững tăng trưởng gấp 1/3 lần cả nước, năng suất lao động gấp 2,7 lần cả nước, đóng góp ngân sách nhà nước gấp 3 lần tỷ lệ dân số và nhận ngân sách bằng với tỷ lệ dân số (9,1%).
Ba là, tự chủ về tổ chức và biên chế. Thực tế cho thấy năng suất lao động của công chức TP.HCM gấp 1,5 lần cả nước. Dân số tăng phải tăng công chức. TP.HCM có quyền thay đổi số lượng công chức trong bộ máy và phân bổ công chức cho cấp dưới. Tự chủ về thu nhập cho công chức với mức kiến nghị thu nhập bình quân của công chức bằng hai lần cả nước.
Bốn là, thành lập Ban Chỉ đạo phát triển vùng do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, Chủ tịch UBND TP.HCM làm Chủ tịch Hội đồng vùng.
Bình luận