• Zalo

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Thủ tướng quyết liệt thì bộ trưởng không thể ngoài cuộc'

Thời sựThứ Tư, 06/02/2019 09:18:00 +07:00Google News

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh điều này và chia sẻ thêm, áp lực là vì đòi hỏi về điều kiện năng lực chuyên môn, về bản lĩnh, trí tuệ, yêu cầu phải cao hơn, đòi hỏi nhiều hơn, tròn trịa hơn, tốt hơn thì mới đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng.

sapo

 

tit1

 

- PV: Nhìn lại một năm qua và hơn nửa chặng đường nhiệm kỳ Chính phủ đã đi, theo Bộ trưởng, đâu là những điểm nhấn nổi bật trong hoạt động điều hành, chỉ đạo của Chính phủ?

Tinh thần xuyên suốt của Thủ tướng là quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, nói và làm, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương.

Năm 2018, kịch bản tăng trưởng được xây dựng ngay từ đầu năm với quan điểm nhất quán là không dựa vào tăng sản lượng khai khoáng, tín dụng, dùng cơ chế chính sách ưu đãi.

Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng là hoàn thiện thể chế, chính sách. Tiếp đó là phát huy nội lực, biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội, tạo ra cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư. Trong giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, của người dân thì xem xét thấu tình, đạt lý.

Chính vì vây, năm 2018, tăng trưởng đạt con số ấn tượng 7,08%. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức 3,54%; Xuất siêu hơn 7 tỷ USD. Nợ công, nợ Chính phủ đều được kiểm soát rất tốt.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục đạt được kết quả quan trọng. Công tác PCTN được toàn Đảng, toàn dân quan tâm và thực sự có hiệu quả.

Ngay khi thảo luận tổ ở hội nghị Trung ương, tôi đã nói rằng, việc chúng ta làm tốt PCTN, xử lý nghiêm cán bộ, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu không làm kìm hãm, kéo giảm tốc độ tăng trưởng. Trái lại, làm tốt PCTN tạo ra minh bạch, công bằng, là thành tố quyết liệt khiến sự tích cực, năng động, sáng tạo, tâm huyết càng có điều kiện trỗi dậy để đóng góp tốt hơn vào sự phát triển của đất nước.

Tôi cho rằng, không tạo sức ép mạnh từ trên xuống thì không thể lay động, còn bảo tự giác chỉ có mức độ thôi vì ban đầu, để tạo thay đổi suy nghĩ truyền thống sang sáng tạo cần phải có sức ép, sự quyết liệt từ lãnh đạo, từ người đứng đầu. Sức ép ấy phải chuẩn, tạo sự đồng thuận cao, chứ không phải gia trưởng, độc đoán. Khi có sự đồng thuận cao thì việc gì cũng làm được.

anh1 3

 

- Ngay đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng thành lập Tổ công tác Thủ tướng – là cánh tay nối dài giúp Thủ tướng đôn đốc, chỉ đạo các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành địa phương. Rồi Tổ công tác kiểm tra công vụ được thành lập nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật. Mới đây, Thủ tướng tiếp tục thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm giải quyết các vụ việc bức xúc của xã hội. Việc này cho thấy động thái mạnh mẽ, quyết liệt của Thủ tướng, Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành về mọi mặt, song cũng có ý kiến băn khoăn liệu quá nhiều Tổ công tác như vậy có thực sự hiệu quả, cần thiết?

Ngày 19/8/2016, Thủ tướng thành lập Tổ công tác Thủ tướng nhằm đôn đốc, kiểm tra các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành, địa phương do tôi làm Tổ trưởng, thành viên gồm các Bộ ngành liên quan và các chuyên gia.

Báo cáo của Hội nghị Trung ương 6 đánh giá đây là “điểm sáng”. Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy đây là động thái tích cực khi quan tâm vấn đề thực thi nhiệm vụ - một điểm yếu của chúng ta lâu nay.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tất cả các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước phải được thực hiện toàn diện, không được để trống, không để nhiệm vụ nào bị bỏ sót. Tổ công tác của Thủ tướng thời gian qua đã tạo sự lan toả rất quan trọng. Sau khi có Tổ công tác Thủ tướng thì hiện nay các Bộ, ngành địa phương đều có thành lập tổ công tác của Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, Thành phố để đôn đốc các nhiệm vụ giao xuống bên dưới.

Rồi liên quan đến công tác tuyển dụng, bổ nhiệm tại nhiều địa phương, Bộ, ngành gây bức xúc dư luận, Thủ tướng tiếp tục thành lập một Tổ công tác kiểm tra thi hành công vụ, vì “trên nóng dưới lạnh” chính là do con người, từ đó giúp cho Thủ tướng kiểm tra, đôn đốc các cơ quan trong quá trình thực thi trách nhiệm công vụ liên quan đến tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Tổ công tác này cũng đang hoạt động rất tích cực.

anh2 4

 

Gần đây nhất, sau khi xảy ra vụ Thủ Thiêm ở TP.HCM và việc dân ở các địa phương kéo về Hà Nội nhiều, nhìn cảnh bà con lên rất thương khi cả người già yếu vẫn phải kéo ra đây giữa trời mưa gió, rét mướt vì trong suốt thời gian dài, mong mỏi và đề nghị của họ không được giải quyết. Vì thế, dân khiếu kiện mình không được bỏ qua. Vì thế, Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình làm Tổ trưởng để giải quyết những vấn đề bức xúc, cần có sự quan tâm giải quyết đặc biệt của Thủ tướng, Chính phủ.

Nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ không tốt, nó sẽ lây lan, sẽ đánh giá ảnh hưởng đến chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin. Do đó, phải thực sự phải giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Tôi cho rằng thành lập các tổ công tác là cần thiết, 3 Tổ công tác này không chồng chéo nhau và hoạt động có hiệu quả. Mỗi Tổ công tác có chức năng, nhiệm vụ riêng, tham mưu, trực tiếp giúp Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề khác nhau nhằm bảo đảm kỷ cương, phép nước được nghiêm minh.

Như Tổ công tác của Thủ tướng do tôi làm Tổ trưởng trong 3 năm đã kiểm tra 61 lượt đơn vị. Nhờ đó, năm 2018 có 18.820 nhiệm vụ được giao nhưng nay chỉ còn 218 nhiệm vụ chưa hoàn thành, quá hạn thôi. So với đầu nhiệm kỳ là 25,2% quá hạn thì nay chỉ còn 1,15%.

Tổ công tác quan trọng nhất là chất lượng, hiệu quả công việc, có dám làm, dám công khai, đụng độ không, bởi vì đã đi kiểm tra là phải tạo ra nhìn nhận hết sức khách quan, minh bạch.

tit2 5

 

- Năm 2018 ghi dấu là một năm hoạt động không nghỉ của Chính phủ, đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Bộ trưởng là người trực tiếp “sát cánh” cùng Thủ tướng trong hầu hết các hoạt động. Làm việc với Thủ tướng - một lãnh đạo hết sức nhiệt huyết, năng động, có khi nào Bộ trưởng cảm thấy quá tải, áp lực?

Nếu bảo rằng không vất vả, không áp lực là nói dối. Thực sự rất áp lực, nhưng tôi cho rằng được làm việc là quý lắm rồi!

Khi từ địa phương ra đây đảm nhiệm một vị trí, một công việc rất quan trọng là tham mưu giúp việc cho Chính phủ, đặc biệt cho Thủ tướng, thì yêu cầu về năng lực và nhiều yêu cầu cao hơn, nên trước hết tôi cho là phải tận tuỵ. Cả VPCP cũng thế, tôi đều quán triệt tư tưởng anh em phải cởi mở, chịu học, chịu lắng nghe, quyết tâm thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng là Chính phủ phục vụ, chủ động trong tất cả công việc.

Không riêng tôi mà tất cả Bộ trưởng đều phải có áp lực như vậy, vì với sự chỉ đạo quyết tâm, đầy nhiệt huyết, với một sự lăn lộn, quyết liệt của Thủ tướng như vậy thì không thể nào các Bộ trưởng, tư lệnh ngành lại đứng ngoài cuộc được.

Áp lực là vì đòi hỏi về năng lực chuyên môn, bản lĩnh phải cao hơn, tốt hơn để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng. Với VPCP, yêu cầu của Thủ tướng quyết liệt như thế thì VPCP phải cải cách, luôn hướng tới hiện đại và chuyên nghiệp, nếu văn phòng chỉ là ông văn thư thì không phải là VPCP.

Có trách nhiệm tham mưu mà ra văn bản không có ý kiến rõ ràng, không tham mưu cụ thể, chỉ đưa vào câu tròn trịa là “tuân thủ theo quy định của pháp luật” thì không ổn. VPCP cũng phải làm gương trong nhiều vấn đề, điển hình như áp dụng VPCP phi giấy tờ, xử lý mọi việc trên nền điện tử hết, đó là điều rất mừng!

- Như Bộ trưởng chia sẻ, ông là lãnh đạo từ địa phương ra Trung ương. Vậy qua 3 năm trên cương vị Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, ông thấy mình có lợi thế, khó khăn gì?

Từng ở địa phương, tôi rất trăn trở, có những việc ở địa phương rất khó nhưng xin ý kiến T.Ư mà T.Ư lại không trả lời hoặc trả lời chậm, thậm chí đùn đẩy, né tránh. Đó chính là tạo thế khó cho địa phương.

Trăn trở, bức xúc nhất là làm sao giải quyết được những vấn đề liên quan địa phương, liên quan cơ chế, thể chế. Để làm được như vậy, phải phân cấp mạnh cho địa phương, thay vì việc gì cũng ôm và kéo về Bộ. Nếu phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát và quy trách nhiệm của người đứng đầu thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Do đó, có vấn đề mà các địa phương đưa lên, tôi đều quan tâm giải quyết. Thường xuyên nhận được tin nhắn, điện thoại của các Bí thư, Chủ tịch tỉnh, tôi cũng nói với họ rằng không cần phải ra ngoài này đâu, có gì vướng mắc cứ nhắn, chúng tôi sẽ có trao đổi với các Bộ trưởng để giúp tháo gỡ cho các địa phương, đôn đốc giải quyết những vấn đề vướng mắc, tháo gỡ rất nhanh.

Thời gian qua đã cho tôi nhìn nhận và rút kinh nghiệm sâu sắc trong công việc. Dù được tín nhiệm hay tín nhiệm chưa cao thì vẫn phải luôn cố gắng chứ không nản hay phàn nàn về điều gì.

tit3 6

 

- Năm 2018, tinh thần được Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xoá bỏ rào cản để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp. Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng làm Tổ trưởng cũng kiểm tra việc này rất nhiều, nhưng thực tế, đến đâu cũng thấy những rào cản. Có khi nào Bộ trưởng thấy nản?

Không! Tôi không nản đâu. Vì đây là vấn đề khó, nhưng người dân, doanh nghiệp và cả xã hội cần, nên phải cải cách. Trước đây chúng ta mới chỉ làm bên ngoài, giảm về số lượng, nhưng theo tôi, vừa rồi đã làm rất quyết liệt khi đã cắt giảm hơn 6.000 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, vượt hơn 36% chỉ tiêu nghị quyết 19, tiết kiệm hơn 11,6 triệu ngày công, tương đương khoảng hơn 5.400 tỷ đồng. Cùng với đo, cắt được hơn 3.000 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Dân rất bức xúc, dân cần cải cách cũng đúng thôi, vì thực tế, rào cản và sách nhiễu kinh khủng lắm. Như mới đấy nhất, có trường hợp chết vì tai nạn giao thông mà không được khai tử, Thủ tướng cũng phải có chỉ đạo. Có trường hợp mất 4 năm rồi mà không nhận được mai táng phí.

Tôi biết lâu nay làm vẫn theo kiểu cơ học, cắt bỏ cái này nhưng lại sinh ra cái khác. Vì thế, bây giờ cải cách phải đi vào thực chất, mạnh mẽ, làm liên tục, làm cương quyết, cứng rắn. Không để tình trạng một thanh socola gánh 13 loại giấy phép.

Cải cách là vấn đề rất khó, nếu đi đến nơi thấy khó mà không dám nói, không dám kết luận thì không thể thay đổi được. Nhiều địa phương có trung tâm hành chính công làm rất tốt, nhưng cũng có nơi rất hình thức, công bố dịch vụ công cấp độ 3,4 nhưng hồ sơ vẫn “chạy bộ” về Sở, giải quyết mà “om” bao nhiêu ngày mới đóng dấu rồi đem đến trả. Đó là cách làm không minh bạch.

Cải cách tới đây sẽ làm quyết liệt, thành lập thêm một số bộ phận của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục của Thủ tướng. Cùng với đó sẽ thường xuyên tiếp cận doanh nghiệp để nghe doanh nghiệp, các hiệp hội phản ánh xem họ khó khăn thế nào, vướng mắc ra sao để tìm cách tháo gỡ.

anh3 7

 

- Bộ trưởng từng nói, người làm cải cách phải đau đáu, tâm huyết mới làm được. Cán bộ làm cải cách phải dám đối mặt, đương đầu với lợi ích nhóm. Vậy Bộ trưởng đã phải đối mặt với vấn đề này chưa?

Tôi phải đương đầu chứ, vì làm cải cách chính là đương đầu với lợi ích nhóm. Chúng tôi đi làm việc đều có sự tham dự của báo chí, tất cả đều công khai, minh bạch. Nếu nói sai tôi chịu, tôi nhận lỗi chứ nói đúng thì tôi không sợ, vì tôi làm không phải để mang về nhà mình.

Quan trọng nhất, khi được DN, người dân ủng hộ thì mình phải làm. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng mạnh mẽ như thế mà mình không làm thì mình có tội, thấy những việc “chướng tai gai mắt” mà mình cứ lờ đi thì không thể được.

Tôi quan niệm, cải cách như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là con người. Nếu chúng ta không thay đổi cách làm, vẫn bảo thủ thì rất khó, nhưng nếu để tự giác thì không bao giờ có, nên phải tạo sức ép. Giúp cho Thủ tướng thì chúng tôi phải gương mẫu, không để cho anh em VPCP “đánh võng” lung tung.

Tôi cũng từng xử lý nhiều cán bộ trong văn phòng, thậm chí là Vụ phó, vì tôi cho rằng, lên được thì xuống được, anh không làm được thì người khác làm. Nếu mãi anh không chịu thay đổi tác phong làm việc thì kiên quyết thay bằng người có trách nhiệm hơn!

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

VOV.VN(Nguồn: agazine.vov.vn)
Bình luận
vtcnews.vn