• Zalo

Bộ trưởng GD&ĐT: Thanh tra Bộ đã bị... lừa

Giáo dụcThứ Năm, 24/11/2011 12:53:00 +07:00Google News

(VTC News)- Nhận định về công tác thanh tra điều kiện thành lập trường ĐH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng nhiều đoàn thanh tra Bộ đã bị lừa.

(VTC News) - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, nhiều đoàn thanh tra của Bộ về kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học mới thành lập nhưng lại bị các trường này dẫn đi một cơ sở khác đảm bảo điều kiện chứ không phải là cơ sở của họ.

Trường 1 nơi, dẫn đi thẩm tra 1 nẻo
 
Sáng nay 24/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã tập trung trả lời nhóm vấn đề chất lượng giáo dục, đào tạo ở các bậc học, vấn đề quy hoạch, thành lập, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng, liên kết đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; Tình trạng cơ sở vật chất của các trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa; Vấn đề chạy trường, dạy thêm học thêm, lạm thu, thiếu trường mầm non công lập.

Đã có 39 đại biểu quốc hội đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội. 

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) băn khoăn về chất lượng giáo dục ĐH ở Việt Nam, khi các trường đại học trong nước mở ra liên tục tuyển sinh không đủ trong khi học sinh trong nước lại ra nước ngoài ngày càng nhiều gây thất thoát một lượng ngoại tệ rất lớn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra số liệu từ  2006-2011, đã  thành lập 84 trường đại học, trong đó 59 trường công lập. Trong số các trường đại học công lập được thành lập có 5 trường về quốc phòng, an ninh.

Trong thời gian đầu 2006-2008, chúng ta đã thành lập 49 trường đại học, ba năm sau (2009-2011), thành lập 35 trường. Số trường thành lập năm sau giảm hơn năm trước. Bên cạnh đó, điều kiện lập trường nâng lên, ví dụ tiền vốn, đất đai, cơ sở vật chất đòi hỏi cao hơn.

Ông Luận cũng lý giải: “Việc không đủ sinh viên không chỉ năm nay mà trong những năm trước nhiều trường không đủ chỉ tiêu. Do 1 số ngành học dù có nhu cầu đảm bảo phát triển xã hội, nhân lực cần thiết nhưng do đầu ra, chế độ đãi ngộ còn chưa hợp lý nên không tuyển đủ. Ví dụ các ngành như nông lâm, nhân văn, khoa học cơ bản, sư phạm…”

Bên cạnh đó, một số trường lại không phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng  như khi cam kết thành lập nên không thu hút được thí sinh như ĐH Hà Hoa Tiên nhiều năm không tuyển đủ, thậm chí chỉ tuyển được 10%.

“Hiện nay, chúng ta giao quyền tự chủ cho các nhà trường nên các ngành giống nhau ví dụ như kinh tế, tài chính, ngân hàng gần như trường nào cũng có dẫn đến thí sinh không theo học những trường mới mở”. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết thêm".

Chia sẻ về việc ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam ra học tại nước ngoài, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng trước đây nhà nước vẫn cho học sinh, sinh viên ra nước ngoài để tiếp thu thành tựu của khoa học thế giới và hiện nay do thành tựu đổi mới nên số lượng sinh viên ra nước ngoài ngày càng nhiều hơn.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng thừa nhận: “Chất lượng đào tạo nhân lực đại học còn những yếu kém nên Đảng mới đề ra yêu cầu  đổi mới căn bản và toàn diện”.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, việc cho thành lập ồ ạt các trường đại học là do quá trình thanh kiểm tra không nghiêm và yêu cầu Bộ GD&ĐT phải có những giải trình về vấn đề này.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng công nhận một thực trạng khi có nhiều đoàn thanh tra của Bộ về kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học mới thành lập nhưng lại bị các trường này dẫn đi một cơ sở khác đảm bảo điều kiện chứ không phải là cơ sở của họ. “Chúng tôi thấy trách nhiệm của mình thanh tra kiểm tra chưa đúng. Chúng tôi xin rút kinh nghiệm”. Bộ trưởng Luận nhận khuyết điểm.

Cũng quan tâm đến chất lượng sinh viên các trường ĐH Ngoài công lập, tại chức, đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) và đại biểu Lương Văn Thành ( Hải Phòng) cho rằng: “Thực tế có sự phân biệt công lập và ngoài công lập, chính quy và tại chức. Bộ có giải pháp nào nâng cao chất lượng ngoài công lập, loại bỏ các trường đại học yếu kém”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định ”Giữa hệ công lập và ngoài công lập không có sự phân biệt, giữa hệ Tại chức và tập trung không có sự phân biệt. Từ thực tiễn 1 số địa phương từ chối sinh viên tốt nghiệp tại chức và ngoài công lập, đây là một tiếng chuông cảnh báo chúng tôi phải chấn chỉnh hệ ngoài công lập và tại chức”.

Bản thân đào tạo tại chức không có lỗi. Nhiều nhà khoa học trưởng thành từ đào tạo tại chức. Ví dụ nhà giáo Nguyễn Cảnh Toàn.

Theo lãnh đạo ngành giáo dục, việc làm trước mắt cần cần đổi mới tuyển dụng theo hướng thực chất chứ không chỉ nhìn trên văn bằng.

Nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH làm 1?

Đại biểu Ya Đúc (Lâm Đồng) 
Trong khi đó, đại biểu Ya Đúc (Lâm Đồng) lại quan tâm đến các chính sách và chế độ cho các giáo viên, học sinh vùng Tây Nguyên, vùng dân tộc khó khăn sẽ được lãnh đạo Bộ quan tâm như thế nào trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng chia sẻ Bộ đã có chính sách thu hút nhà giáo lên vùng sâu vùng sa trong 5 năm đầu và sau 5 năm sẽ bố trí về dưới xuôi nhưng do vì nhiều lý do nên ít giáo viên được trở về dưới xuôi.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề xuất bên cạnh các chính sách như kiên cố hóa trường lớp, hỗ trợ sách vở tiền ăn cho các học sinh miền núi thì trong thời gian tới Bộ sẽ nghiên cứu và đề xuất thêm nhiều chính sách mới giúp cải thiện cuộc sống của giáo viên và học sinh vùng sâu vùng xa.

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) lại băn khoăn về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2011 đến gần 100% trong khi năm 2007 chỉ có 66,7%.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết, qua thanh kiểm tra, kết quả thi tốt nghiệp 2011 cơ bản là phù hợp với bài thi.  Nguyên nhân là do ý thức của học sinh đã được nâng lên đáng kể, các nhà trường thầy cô giáo đã tập trung hướng dẫn, kèm cặp các học sinh yếu kém…

Việc ghép kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học để giảm áp lực và bớt tốn kém tiền của cho xã hội đã được đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nêu ý kiến” “Có thể bỏ bớt 1 kỳ thi để tập trung tổ chức 1 kỳ thi thật tốt?”

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường ĐH vùng, ĐH quốc gia, ĐH có tính đặc thù như nghệ thuật, mỹ thuật đề xuất phương án tuyển sinh công bằng, công khai nhưng không tái diễn tình trạng luyện thi tràn lan. Việc nhập 2 kỳ thi làm một đang được Bộ GD&ĐT nghiên cứu.

Vấn đề dạy thêm, học thêm tràn lan được đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) chất vấn: “Ở nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng sẽ làm gì để chấm dứt tình trạng này”

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng cần tăng cường ý thức trách nhiệm, tự trọng thầy cô giáo, tăng cường trách nhiệm hiệu trưởng và các cơ quan kiểm tra của phòng giáo dục, Sở giáo dục… Tuy nhiên câu trả lời này không được các đại biểu hài lòng.

Ngoài phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã nêu lên một số khó khăn khách quan của ngành giáo dục. Trong đó vấn đề nguồn nhân lực hiện nay đang không được đào tạo và sử dụng đúng cách là do “ngành giáo dục đào tạo nhưng tỉnh và các Bộ không có sự đặt hàng cho ngành giáo dục nên liên kết cung cầu không sát nên đào tạo không sát với thực tế là điều đương nhiên”.

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng bên cạnh những thành tựu giáo dục đạt được trong nhiều năm trở lại đây thì lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng phải thẳng thắn thừa nhận nguyên nhận yếu kém là trách nhiệm quản lý nhà nước nói chung. Trách nhiệm này  từ chính phủ, chính quyền các cấp và toàn bộ hệ thống chính trị.

“Chúng ta cần tiếp tục đầu tư hơn nữa cho giáo dục, học sinh, giáo viên, đồng bào dân tộc, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ …” Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Phạm Thịnh (lược ghi)

Bình luận
vtcnews.vn