• Zalo

Bộ trưởng Công Thương: Tư nhân vẫn ngại đầu tư vào kinh tế vùng biên giới

Đầu TưThứ Hai, 16/08/2021 15:14:57 +07:00Google News
(VTC News) -

Tại hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận xét, nhà đầu tư tư nhân vẫn còn e ngại dốc vốn vào khu vực biên giới.

Ông Diên cho biết, hiện nay kinh tế vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của cả nước, nông nghiệp vẫn là chủ đạo; công nghiệp, thương mại dịch vụ kém phát triển; chưa có sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh yếu; thương mại tiểu ngạch vẫn là chính…

Bộ trưởng Công Thương: Tư nhân vẫn ngại đầu tư vào kinh tế vùng biên giới - 1

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới tổ chức sáng 16/8.

Thêm nữa, dù là ngành chủ đạo nhưng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, tự phát; chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa, nhất là hàng hoá xuất khẩu; chưa quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm và hình thành chuỗi liên kêt sản xuất, tiêu thụ.

Trong khi đó, quy mô thương mại còn quá nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại của cả nước. Năm 2020 mới đạt 30 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng kim ngạch của cả nước, bằng 21,5% tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Hạ tầng công nghiệp, thương mại khu vực biên giới còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển. Nhiều nơi chưa tương xứng với quy mô, tốc độ đầu tư của nước bạn. Hiện tại, hạ tầng thương mại hiện đại rất thiếu (như trung tâm logistics), các hạ tầng thương mại biên giới (như kho hàng, chợ, trung tâm thương mại) phân bố không đều và không đủ năng lực phục vụ lúc cao điểm.

Theo ông Diên, những tồn tại kể trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân như thiếu vốn cho đầu tư phát triển; kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp. Đặc biệt là tâm lý e ngại (nhất là tư nhân) đầu tư vào khu vực biên giới (rủi ro, lợi thế cạnh tranh thấp…).

Bên cạnh đó là tình trạng thiếu quy hoạch hoặc chất lượng quy hoạch kém, thiếu tầm nhìn dài hạn; thiếu chủ trương nhất quán, cơ chế chính sách hợp lý đủ mạnh để phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng kinh tế, thương mại biên giới.

Ngoài ra, công tác đầu tư quản lý cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Việc nâng cấp, mở mới cửa khẩu, lối mở biên giới chậm; thủ tục cấp phép, thông quan còn rườm rà; áp dụng công nghệ trong quản lý cửa khẩu còn hạn chế.

Chính vì vậy, ông Diên nhấn mạnh cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu; đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách địa phương đủ sức hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội như đô thị và công nghiệp thương mại, nhất là đầu tư tư nhân.

Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị ưu tiên bố trí phân bổ vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông và hạ tầng thương mại dịch vụ; nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, doanh nghiệp các nước chung biên giới.

Cần có cơ chế, chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, đầu tư vào khu vực biên giới để tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới.

Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn