Quan điểm của Bộ GD-ĐT là tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị, nguồn lực của ngành Giáo dục, không phải mục tiêu chính là giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà là nâng cao chất lượng giáo dục, trên cơ sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn, thậm chí có nhiều việc không cần đến tiền, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đã làm việc với Bộ GD-ĐT để khảo sát, xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đã báo cáo đánh giá về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD-ĐT giai đoạn 2011 – 2016; định hướng và giải pháp để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp trong thời gian tới cùng những đề xuất, kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ.
Buổi làm việc nêu lên nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề quy hoạch mạng lưới. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, quan điểm của Bộ GD-ĐT là tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị, nguồn lực của ngành Giáo dục, không phải mục tiêu chính là giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục, trên cơ sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn, thậm chí có nhiều việc không cần đến tiền.
Video: Nhà xuất bản dùng 'chùa' tác phẩm
Đối với các trường đại học, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc quy hoạch không theo hướng hành chính, không quy hoạch theo tư nhân hay công lập mà theo hướng quy hoạch ngành.
Theo đó, các trường ĐH và cụm ĐH thay vì rải rác khắp nơi sẽ được tập trung thành các cụm để đào tạo tốt nhất. Bộ cũng đã xây dựng xong các chuẩn để tiến hành quy hoạch. Đây sẽ là khung với các trường mới thành lập đồng thời là cơ sở để rà soát lại các trường đang hoạt động.
Riêng với các trường sư phạm, Bộ trưởng đã nêu ra một thực tế kéo dài khoảng 5 - 7 năm nay, các trường này gần như không được quan tâm đúng mức và đúng tính chất của trường sư phạm, dẫn đến trường phải tự xoay sở một cách yếu ớt. Đầu vào trường sư phạm không được tốt; trong quá trình đào tạo, tổ chức cũng chưa được đầy đủ; khi ra trường, sinh viên vào được các trường phổ thông rất khó khăn, nên học sinh học sư phạm ít, chất lượng thấp; khi ra trường vào đúng ngành không nhiều, đây là một sự lãng phí.
Theo Bộ trưởng, việc rà soát, quy hoạch chuẩn sư phạm theo hướng rà soát sắp xếp lại hệ thống, tập trung vào một số trường sư phạm quốc gia, trọng điểm để đầu tư. Còn các trường CĐ sư phạm hay khoa sư phạm các nơi là vệ tinh để thực hiện đào tạo lại đội ngũ giáo viên các tỉnh. Đây là nhiệm vụ vô cùng lớn.
Bất cập trong tự chủ tuyển dụng giáo viên
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đề cập tới một số vấn đề được dư luận quan tâm như tự chủ ở trường phổ thông; tự chủ tài chính; tuyển dụng giáo viên…
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay, ở phổ thông các trường đã được tự chủ trong việc thành lập các bộ phận hay xây dựng chương trình. Tuy nhiên, riêng tự chủ trong tuyển dụng giáo viên thì có bất cập:
"Việc tuyển giáo viên theo kiểu điền vào chỗ trống khiến cơ cấu không đều, việc nâng cao chất lượng giáo dục rất khó khăn", ông Độ nói.
Trao đổi thêm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng khẳng định, hiện nay, nhiều nơi tuyển dụng giáo viên không căn cứ trên nhu cầu của từng trường mà tuyển dụng theo tổng biên chế, dẫn đến không cân đối giữa các cấp học.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây sẽ đẩy mạnh vấn đề tự chủ tuyển người cho các trường, đồng thời sẽ thí điểm có lộ trình việc thực hiện hợp đồng lao động thay vì hợp đồng làm việc của viên chức.
"Việc thực hiện hợp đồng lao động sẽ tạo ra sự cạnh tranh để những giáo viên giỏi có thể tham gia giảng dạy ở các trường khác nhau. Đây là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Không phân biệt trường công trường tư mà chỉ lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm chuẩn".
Đánh giá cao báo cáo của Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc xây dựng Đề án có ý nghĩa quan trọng đối với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có những ý kiến chỉ đạo, góp ý với những nội dung cụ thể trong Đề án.
Bình luận