Liên quan đến đà tăng mạnh của giá xăng, bên hành lang Quốc hội sáng 16/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ này đang phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
“Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường để “hạ nhiệt” giá xăng dầu. Hiện nay Chính phủ đang nghiên cứu vấn đề này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Cách đây ít ngày, đề xuất phương hướng kiểm soát lạm phát trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết đang phối hợp các cơ quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết hiện Bộ Tài chính dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền về việc giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Trên hàng lang Quốc hội sáng nay 16/6, cũng liên quan tới vấn đề xăng dầu, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) - Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho hay thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước. Theo đó, cần nghiên cứu kỹ vấn đề này để cân đối tổng thể việc giảm giá xăng dầu và các chính sách khác nhằm ổn định tình hình kinh tế vĩ mô.
Theo ông Khải, các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Công Thương cũng đã trả lời, thông tin về việc điều hành giá xăng dầu trong các phiên chất vấn của Quốc hội cũng như trong kỳ họp, theo đó, Chính phủ đang có những giải pháp toàn diện nhất về kiểm soát giá xăng dầu.
Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu khác cũng cho hay, giá xăng dầu đang là vấn đề rất "nóng", ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất tiêu dùng và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại địch. Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, giá xăng dầu còn tác động đến ngành vận tải, logistics, đẩy chi phí các ngành nghề khác tăng theo, chi phí doanh nghiệp cũng tăng, tạo áp lực vô cùng lớn lên lạm phát.
Do đó, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp tổng thể để giảm thiểu tối đa tác động, rủi ro của việc tăng giá xăng đến đời sống nhân dân và sự phát triển của nền kinh tế.
Hiện Bộ Tài chính là đơn vị tham mưu cho Chính phủ để Chính phủ trình phương án giảm 50% thuế Bảo vệ môi trường, Thường vụ Quốc hội đã đồng ý. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nếu muốn giảm tiếp 50% nữa, thẩm quyền thuộc về Quốc hội. Ngoài ra, còn có các loại thuế khác là thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế xuất nhập khẩu (8%), thuế VAT (10%), có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay không cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết trước mắt sẽ đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội cân nhắc việc giảm thuế nhằm giảm giá xăng dầu.
Do đó, theo các đại biểu Quốc hội, Chính phủ cần sớm nghiên cứu và trình Quốc hội đề xuất giảm thuế.
Từ 15h ngày 13/6, liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng, dầu theo hướng tăng mạnh ở hầu hết các mặt hàng.
Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 882 đồng/lít, lên 31.117 đồng/lít; RON95 tăng 797 đồng/lít, lên 32.375 đồng/lít. Đây là đợt tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 12 của mặt hàng này trong nửa đầu năm 2022. Hiện, giá bán lẻ các loại xăng tiếp tục lập đỉnh mới, riêng xăng RON95 vượt mốc 32.000 đồng/lít, cao hơn kỷ lục chưa từng có được thiết lập vào kỳ điều hành 1/6 vừa qua.
Tương tự, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng tăng mạnh 2.490 - 2.630 đồng/lít. Theo đó, dầu diesel tăng 2.626 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, lên 29.020 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 2.493 đồng/lít, lên mức 27.839 đồng. Riêng dầu mazut giảm 544 đồng/kg, về mức 20.357 đồng/kg.
Bình luận