Khi đứa bé lớn lên, những chiếc vòng sẽ được nới rộng ra và đeo vào thêm. Phụ nữ càng lớn tuổi, số vòng càng nhiều hơn và chiếc cổ dường như càng cao thêm
Vùng biên giới Thái Lan - Myanmar từng nổi tiếng là “cấm địa” với khu vực Tam giác vàng huyền thoại, trung tâm buôn bán ma túy một thời…Giờ đây đã trở thành vùng đất thanh bình và xinh đẹp, một trong những địa điểm du lịch khám phá được yêu thích nhất tại Đông Nam Á. Đây còn là nơi sinh sống của một bộ tộc đặc biệt: người cổ dài Karen.
Cùng chiếc xe máy và tấm bản đồ mới thuê được ở Chiang Rai với giá 150 baht/ngày (khoảng 95.000 đồng), tôi chạy ra khỏi thành phố, men theo quốc lộ tìm đến làng dân tộc người Karen (hay còn được gọi là tộc Kayan). Tôi đã từng xem qua vài thước phim tài liệu về bộ tộc này trên kênh Discovery và thật sự ấn tượng với những phụ nữ nhỏ bé có cái cổ cao lênh khênh, chịu đựng vài chục chiếc vòng to nặng nề đeo kín quanh cổ. Và đây chính là một dịp may để tôi có thể “sờ tận tay, day tận mắt”.
Chạy xe từ Chiang Rai khoảng hơn 1 giờ thì thấy biển báo dẫn vào khu làng của người Karen. Thật ra đây không phải là ngôi làng chính mà các tour du lịch thường hay dẫn khách đến tham quan. Làng mà tôi tình cờ ghé thăm hôm đấy chỉ có tôi và lác đác vài khách du lịch bụi khác.
10 - 12 kg thường trực trên vai
Vào trong làng, những mái nhà sàn bắt đầu hiện ra nằm san sát nhau. Tôi bắt đầu cảm thấy hồi hộp khi gặp hai mẹ con người Karen đang ngồi dệt vải trước cửa ngôi nhà đầu tiên trong dãy. Lúc tôi tiến đến gần, người phụ nữ lớn tuổi từ từ quay người qua nhìn tôi, chiếc cổ mảnh khảnh đeo kín vòng kim loại có đến vài chục cái cứng đơ, chiếc đầu phía trên hơi lắc lư. Tôi sững sờ vài giây, tim thắt lại, mắt dán chặt vào dáng người nhỏ bé yếu ớt đó, trong đầu thoáng sợ hãi tưởng tượng chiếc cổ sắp có nguy cỡ gãy làm đôi.
Một phụ nữ trong làng nói với tôi rằng, theo tục lệ bé gái khi lên năm hoặc bảy tuổi sẽ bắt đầu đeo chiếc vòng đầu tiên. Khi đứa bé lớn lên, những chiếc vòng sẽ được nới rộng ra và đeo vào thêm. Phụ nữ càng lớn tuổi, số vòng càng nhiều hơn và chiếc cổ dường như càng cao thêm, khối lượng có khi từ 10 - 12 kg hoặc có thể hơn. Thật ra, cổ của họ không tự dài ra mà do sức nặng của những chiếc vòng đè lên đôi vai làm cho các đốt sống cổ ngày càng giãn ra.
Phụ nữ người Karen với chiếc cổ đeo hàng chục chiếc vòng kim loại to nặng |
Người phụ nữ lớn tuổi nhìn tôi gật nhẹ đầu và nở một nụ cười hiền. Cô con gái đang ngồi bên khung cửa cũng bước ra và mời tôi vào ngồi. Cô gái trẻ tầm khoảng 20 tuổi có làn da trắng, khác hẳn với các phụ nữ trong làng có nước da nâu sậm. Mẹ cô giản dị hơn với áo vải màu trắng và chiếc quần ngắn trên gối màu đen. Dưới hai đầu gối bà là hai hàng vòng chân bằng đồng sáng bóng, hai cổ tay cũng đeo vài chiếc vòng bạc to bản. Theo quan niệm của người Karen, phụ nữ càng đẹp và quyến rũ khi đeo trên người càng nhiều vòng trang sức, nó cũng thể hiện sự giàu có và cao quý của chính bản thân và gia đình họ.
Chúng tôi ngồi sát nhau bên cạnh chiếc sạp bày bán khăn quàng đủ loại màu do họ tự dệt lấy, ngoài ra còn có các bức tượng gỗ tạc người Karen, những chiếc vòng tay bằng bạc, đồng đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng. Ở làng có bao nhiêu nhà thì có bấy nhiêu sạp hàng gần như giống nhau, vì đơn giản rằng, ngoài chúng ra, họ chẳng biết làm gì khác và chúng cũng là thứ duy nhất giúp họ kiếm thêm thu nhập.
Cô hỏi tên tôi và cố gắng bắt chước tôi phát âm nhưng không được, cái cổ cứng ngắc thật khổ sở. Chúng tôi trao đổi với nhau thêm vài câu, tôi cố căng tai lên nghe vì họ không thể nói to được, sau đó chợt cả ba phá lên cười vì thật ra nãy giờ chẳng ai hiểu ai nói gì. Cảm giác sợ ban đầu của tôi hoàn toàn tan biến mà thay vào đó là một sự cảm mến, quý trọng. Chúng tôi chụp chung vài kiểu ảnh và lại nhìn nhau mỉm cười.
Video bộ tộc bí ẩn trên đảo Bắc Sentinel
Đeo vòng cổ từ bé
Tôi đi qua một dãy nhà sàn khác, phía trước mỗi nhà đều có một phụ nữ ngồi dệt vải, chiếc cổ không hề cử động nhưng đầu họ thỉnh thoảng lại lắc lư nhẹ theo nhịp khung cửi. Họ đều hướng mắt nhìn theo mỗi khi tôi đi ngang qua và gật đầu chào.
Đến ngôi nhà cuối con dốc, một bé gái khoảng 8 tuổi, trên cổ cũng đã đeo tầm khoảng mười chiếc chạy ra, hỏi tôi với giọng tiếng Anh rõ và chuẩn: “How do you do?”. Tôi thích thú bắt tay em làm quen và chúng tôi ríu rít nói chuyện như hai người bạn. Em giới thiệu năm nay 8 tuổi, không đi học mà nghỉ ở nhà giúp mẹ bán hàng. Em học tiếng Anh từ khách du lịch và rất thích nói chuyện với họ. Mẹ em đeo lên cổ cho tôi một chiếc vòng được làm từ nhiều khoen bằng đồng xếp chồng lên và dính chặt vào nhau đồng thời đã cắt đi một nửa, giống như bị chặt làm đôi vậy.
Khi đứa bé lớn lên, những chiếc vòng sẽ được nới rộng ra và đeo vào thêm |
Phụ nữ càng lớn tuổi, số vòng càng nhiều hơn và chiếc cổ dường như càng cao thêm |
Bề mặt của chiếc vòng lạnh toát vừa chạm lên da đã khiến tôi giật mình và cảm nhận được sức nặng của nó phía trước cổ. Tôi ngạc nhiên thầm nghĩ, mới chỉ là một phần nhỏ so với những gì mà những người phụ nữ kia hằng ngày đeo trên người mà đã nặng như thế này sao? Tôi hỏi em gái đeo thế này có thấy nặng không? Em lắc đầu bảo đã quen rồi, mẹ em còn đeo nặng hơn gấp mấy lần ấy chứ. Không thể tưởng tượng nổi họ phải đeo chúng trong khi ăn, ngủ, làm việc và sinh hoạt cả ngày cả đêm cho đến suốt đời.
Lúc đi đến giữa làng, tôi thấy một mái nhà đang mở rộng cửa, nói đúng hơn, nó giống như một cái chòi được dựng tạm bợ. Bên trong nhà, trên các bức tường được treo rất nhiều tranh ảnh thiếu nhi và bảng chữ cái. Giữa nhà trống trơn, một bên tường đặt cái kệ nhỏ có vài món đồ chơi cũ kỹ. Thì ra là lớp mẫu giáo. Bên cửa sổ hướng ra đường là một cô giáo tầm 30 tuổi đang đun nước trong một cái nồi cơm điện to và bỏ mì gói vào đó. Trên bậc cửa, bốn đứa trẻ tầm ba đến năm tuổi ngồi xếp thành hàng, trên tay mỗi đứa cầm một cái bát tô to vẻ như đang chờ đợi.
Người Karen là một bộ tộc có nguồn gốc từ Myanmar,về sau do loạn lạc, họ đã chuyển về sinh sống ở Tam Giác Vàng |
Lớp học hết sức đơn sơ và bữa ăn cũng vô cùng giản dị nếu không muốn nói là thiếu thốn. Cô giáo nhiệt tình mời tôi vào ăn chung và đưa cho tôi một tô rồi chỉ ra ngồi cùng lũ trẻ. Tôi chỉ lấy một chút mì từ cô giáo gọi là, rồi chạy ra giúp khi thấy một bé trai gắp mì bằng đũa có vẻ khó khăn. Đa số chúng đều có thể tự ăn rất ngoan chứ không phải mớm từng miếng như trẻ con thành phố. Một bữa trưa ấm áp, chộn rộn và vang tiếng cười. Một trải nghiệm thật sự khó quên.
Tôi đi dạo một vòng rồi quay ngược trở ra, chào tạm biệt một lần nữa những người bạn mới quen. Tôi có cảm tưởng rằng, họ không còn coi tôi là khách du lịch xa lạ nữa. Họ không lấy tiền khi tôi chụp ảnh, không mời mọc mua hàng như tôi từng nghe nói hay đọc trên báo chí. Ở đây, họ đón chào người lạ với ánh mắt thân thiện, nụ cười hiền lành, cái bắt tay thật chặt và những mẩu chuyện vui vẻ không đầu không đuôi.
Karen là một bộ tộc có nguồn gốc từ Myanmar, trong khoảng năm 1980 và 1990, do bị quân đội truy quét nên một bộ phận đã chạy trốn sang biên giới Thái Lan, sống rải rác ở Chiang Rai và tỉnh Mae Hong Son.
Chính phủ Thái khôn ngoan đã thu nhận và khéo léo giúp họ thành một sản phẩm tuyệt vời để quảng bá du lịch nhằm thỏa mãn trí tò mò của du khách thập phương. Khi đến thăm các ngôi làng này, du khách chủ yếu chỉ thấy phụ nữ còn đàn ông đã ra ngoài đi làm hết. Phụ nữ ở nhà chăm con và dệt vải, bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Trẻ em gái thường bắt đầu đeo vòng cổ từ lúc 5 tuổi.
TheoHương Tôn (thanhnien.vn)
Bình luận