Cụ thể, nhằm nâng cao năng lực dự báo, Bộ TN&MT ưu tiên nghiên cứu cơ bản để phục vụ dự báo, cảnh báo và phân vùng rủi ro thiên tai. Bộ cũng chú trọng phát triển hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng; ứng dụng công nghệ chuẩn hóa và hiện đại; hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hệ thống quan trắc tai biến địa chất và phòng chống thiên tai; tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống giám sát bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám.
Để giám sát khí hậu, Bộ TN&MT sẽ cập nhật, cụ thể hóa Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng và cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai của cả nước và chi tiết đến từng vùng, miền, địa phương.
Hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt là những vùng dễ tổn thưởng, Bộ TN&MT triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn thông qua các nhiệm vụ như đánh giá rủi ro do biến đổi khí hậu theo vùng, miền; cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập lụt theo kịch bản nước biển dâng đến cấp xã. Đồng thời, thực hiện các giải pháp hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm giảm sụt lún, nhiễm mặn ở các vùng ven biển, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính định kỳ 2 năm một lần để giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính của các hệ sinh thái. Bộ cũng khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; chuẩn bị cho việc triển khai các công cụ định giá các-bon, xây dựng cơ sở pháp lý và hình thành thị trường các-bon, thuế, phí các-bon.
Bình luận