• Zalo

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn xăng

Kinh tếThứ Năm, 24/11/2011 10:57:00 +07:00Google News

(VTC News) – Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết Bộ đã kiến nghị “vẫn tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu do sự cần thiết”.

(VTC News) – Trong báo cáo vừa gửi tới các ĐBQH để làm rõ thêm nhiều vấn đề ĐB quan tâm, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết Bộ đã kiến nghị “vẫn tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu do sự cần thiết”.

Không dùng Quỹ BOG xăng dầu, CPI sẽ tăng thêm 0,33 – 0,494%.

 

Về công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính điểm lại từng thời điểm tăng giá xăng dầu trong năm 2011 và khẳng định: “Kết quả điều hành giá nói chung, giá xăng dầu nói riêng trong năm 2011 đã góp phần tích cực thực hiện NQ 11 của Chính phủ, tốc độ giảm CPI sau khi điều chỉnh vào tháng 9.2011 đã giảm dần, tháng 10 chỉ còn 0,36%”.

 
 

Về Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhắc lại mục đích hình thành quỹ, trách nhiệm quản lý ngành và cho biết, Bộ đã ban hành Thông tư số 234 hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ.

 

Bộ trưởng cũng đồng thời dẫn lại báo cáo kết quả kiểm toán Quỹ bình ổn xăng dầu của Kiểm toán Nhà nước vừa qua, cả về mặt tích cực và những hạn chế, và khẳng định: “Thực tiễn của việc điều hành giá xăng dầu từ năm 2010 đến nay đã cho thấy nếu không có công cụ BOG thì giá xăng dầu trong nước dã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn”.

 

Để minh chứng cho nhận định này, Bộ Tài chính dẫn lại các lần lẽ ra điều chỉnh giá xăng nhưng đã sử dụng Quỹ BOG để giữ giá, hoặc chỉ tăng thấp hơn mức cần tăng.

 

Bộ trưởng còn dẫn chứng “nếu không sử dụng Quỹ, bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá xăng dầu (mức tăng giá bằng mức sử dụng Quỹ) sẽ tác động làm tăng thêm giá thành lúa 1,09% - 1,16%, cà phê 0,93% - 1,17%, đánh bắt hải sản xa bờ 10,95% - 11,5%, vận tải 6%...; làm tăng trực tiếp chỉ số CPI từ 0,33 – 0,494%.

 

Sẽ minh bạch sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu

 

Trong Báo cáo, Bộ Tài chính kiến nghị cơ chế điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới tiếp tục nhất quán thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong điều kiện kinh doanh xăng dầu hiện nay, nhóm DN có vị trí chi phối thị trường thì vẫn cần thiết thực hiện việc quản lý, điều hành giá theo quy định tại Nghị định 84/2009 của Chính phủ.

Cơ quan quản lý (Bộ Tài chính – Bộ Công thương) thực hiện kiểm tra giám sát các yếu tố hình thành giá. Khi điều kiện thuận lợi, cần khôi phục lại mức giá cơ sở theo quy định, lúc đó sẽ để DN tự định giá trong giới hạn theo quy định của Nghị định 84.

 

Về hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành giá xăng dầu và Quỹ bình ổn giá, Bộ này cho biết đã đề xuất Thủ tướng và Thủ tướng đã đồng ý sẽ tiến hành đánh giá, sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 84 và cơ chế trích lập, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tập trung vào nội dung cơ bản là xem xét sửa đổi chu kỳ tính giá cơ sở 10 ngày phù hợp với tần suất điều chỉnh giá (thay cho 30 ngày như hiện nay).

 

Đồng thời, nghiên cứu đưa lợi nhuận ra ngoài giá cơ sở để rạch ròi lãi (lỗ) của các DN kinh doanh xăng dầu; nghiên cứu quy định rõ hơn về chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức phù hợp với từng loại hình kinh doanh; bổ sung các quy định về kiểm tra, kiểm toán, công bố, minh bạch thông tin và chế tài xử lý vi phạm.

 

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ này kiến nghị “vẫn duy trì do sự cần thiết” và “nghiên cứu để tập trung về Nhà nước quản lý, cho phép DN đầu mối được chủ động sử dụng theo đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước, sẽ hậu kiểm và thực hiện quyết toán vào cuối năm”.

 

Minh Hằng

Bình luận
vtcnews.vn