• Zalo

Bộ Tài chính: Cước vận tải giảm phù hợp giá xăng

Kinh tếThứ Bảy, 17/01/2015 08:07:00 +07:00Google News

Bộ Tài chính nhận định giá cước ô tô giảm từ 3-10% là hợp lý, trong khi chuyên gia nói phải giảm từ 12-15%.

Bộ Tài chính nhận định giá cước ô tô giảm từ 3-10% là hợp lý, trong khi chuyên gia nói phải giảm từ 12-15%.

Theo công bố của Bộ Tài chính ngày 16/1, về kết quả tổng hợp giảmgiá cước vận tải của 38 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cơ sở biến động giảm giá xăng dầu, tính đến tháng 12/2014.

Theo đó, đối với vận tải đường bộ, giá cước vận tải taxi giảm trung bình từ 0,92% - 26,32%, mức giảm phổ biến là 3-10%. Giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm trung bình từ 3 - 21,7%, mức giảm phổ biến cước taxi từ 5-10%.

cước vận tải
Giảm giá cước vận tải Bộ nói hợp lý 
Giải thích về sự chênh lệch trong mức giảm giá của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết đối với các đơn vị giữ ổn định giá cước đã kê khai từ năm 2011-2012 thì không điều chỉnh giá hoặc tỷ lệ điều chỉnh trên dưới 1%. Đối với các đơn vị kê khai giá từ năm 2013 thì tỷ lệ giảm trên dưới 10%. Riêng các đơn vị đã điều chỉnh tăng giá trong năm 2014, ứng với giai đoạn giá xăng dầu tăng thì tỷ lệ giảm giá sâu hơn, trên dưới 20%.

Với ngành vận tải bằng ô tô, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-35% giá thành vận tải đối với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35-45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa).

Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định, với mứcgiảm giá xăng dầu thời điểm hiện tại khoảng 27% so với mức giá tại ngày 1/1/2014 thì giá cước vận tải giảm trung bình từ 3-10% là tương đối phù hợp.

Đối với vận tải hàng không nội địa, tỉ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5%, đường sắt là 30% giá thành nên các mức giảm cước tương ứng của hai ngành này là 15% và 10% cũng được Bộ Tài chính đánh giá là phù hợp.

Liên quan tới việc giảm giá cước vận tải, trước thái độ trây ỳ của các doanh nghiệp vận tải, Bộ Tài chính đã phải ra "chiếu lệnh" hạn cho các doanh nghiệp đăng ký giảm giá cước vận tải, sau khi giá xăng dầu giảm sâu kỷ lục tới hơn 30% là hết ngày 15/1.

Với trường hợp quá thời hạn mà không giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu, doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt tiền từ 20- 25 triệu đồng.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, giá nhiên liệu xăng dầu chiếm từ 40-50% chi phí vận tải. Như vậy, khi xăng dầu giảm khoảng 1/3, cước vận tải cũng phải giảm từ 12 -15% mới hợp lý.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra tại ba địa bàn trọng điểm: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cho thấy, các doanh nghiệp vận tải chỉ mới kê khai giảm giá từ 2-10%.

Bộ Tài chính liên tiếp yêu cầu tăng cường “quản” chặt giá cước vận tải nhưng đáp lại, doanh nghiệp kinh doanh vận tải chỉ… lặng thinh hoặc giảm giá “nhỏ giọt”.

Trả lời báo Tiền phong, TS Cao Sỹ Kiêm nói thẳng việc doanh nghiệp chậm giảm giá cước vận tải lỗi ở chính các bộ, ngành, đặc biệt là các vị bộ trưởng, trưởng ngành có trách nhiệm với tư cách là tư lệnh ngành, là cơ quan quản lý, điều hành.

Trực tiếp ở đây là Bộ Công Thương, Tài chính, Bộ GTVT và các địa phương phải chịu trách nhiệm. Để xảy ra tình trạng xăng giảm, giá không giảm là quá vô lý, mọi sự ngụy biện là không thể chấp nhận được.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá xăng dầu giảm hơn 32% nhưng cước vận tải đứng yên cho thấy sự lúng túng của cơ quan chức năng. Trách nhiệm này thuộc Bộ Tài chính mà cụ thể là Cục quản lý giá.

“Cơ quan quản lý hoạt động vận tải là Bộ GTVT đã đề xuất đưa cước vận tải vào diện quản lý bình ổn giá, trong khi các động thái từ Bộ Tài chính chưa thấy đâu”, ông Long nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, hiện tượng chậm giảm giá cước vận tải có thể có sự thỏa thuận ngầm giữa các doanh nghiệp vận tải.

"Nếu doanh nghiệp  có thỏa thuận ngầm bắt tay không giảm giá là họ sai vì vi phạm Luật Cạnh tranh. Ở đây, cơ quan quản lý cạnh tranh chưa thấy làm việc ra hồn. Cung cầu định đoạt một phần, quan hệ độc quyền theo kiểu thỏa thuận không giảm giá đang thao túng thị trường, làm thị trường không hoạt động được”, TS Thành nói.

Theo ông Thành, Nhà nước có hai lựa chọn, một là lượng cầu để quyết định bắt hạ giá. Nhà nước có thể làm được điều đó, các doanh nghiệp  buộc phải nghe lời. Song bản chất ở đây là các doanh nghiệp  cấu kết với nhau để giữ giá.

Việc của cơ quan chức năng là phải phá được sự cấu kết này. Từ đó, giá sẽ giảm xuống mức cạnh tranh hơn, còn cụ thể bao nhiêu không cần biết mà để sự cạnh tranh định đoạt.

Theo Baodatviet

Bình luận
vtcnews.vn