Chiều nay, 7/6/2019, tại Hà Nội, Bộ Tài Chính họp báo công bố về tình hình nợ công năm 2018.
Theo đại diện Bộ Tài chính, năm 2018, vốn vay trong nước được huy động là 250,5 nghìn tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi ngân sách trung ương và trả nợ gốc, đạt 90,8% so với kế hoạch và chiếm 78,6% cơ cấu vay vốn của Chính phủ, trong đó kênh phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo.
Về vấn đề vay vốn nước ngoài, trong năm 2018, giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ khoảng 3.010 triệu USD, chiếm 21,4% cơ cấu huy động vốn của Chính phủ.
Việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt tại các Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.
Về vấn đề thực hiện hạn mức bảo lãnh của Chính phủ, có 2 ngân hàng chính sách được bảo lãnh phát hành trái phiếu. Theo đó, năm 2018, Ngân hàng Phát triển huy động được 16.545 tỷ đồng (bằng 95% kế hoạch) với 74,3% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.
Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 9.670 tỷ đồng (bằng 100% hạn mức phát hành) với 71% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Đến 31/12/2018, dư nợ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của 2 ngân hàng chính sách là 157.738 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cuối năm 2017.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, vấn đề bảo lãnh cho doanh nghiệp tiếp tục bám sát chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chủ động tăng cường kiểm soát việc cấp bảo lãnh và quản lý rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN. Năm 2018 không cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay vốn trong nước.
Trong năm 2018, đã thực hiện cấp bảo lãnh chính phủ cho 2 dự án điện với tổng trị giá là 1.614 triệu USD. Không sử dụng hạn mức bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nước ngoài trong năm và dư nợ cuối năm bằng 4,4% GDP (giảm 0,6% so với cuối năm 2017).
Về cơ bản, các dự án được Chính phủ bảo lãnh trả nợ đầy đủ đúng hạn.
Trong quản lý, đã đôn đốc quyết liệt để hoàn tất việc ký hợp đồng thế chấp tài sản đối với các dự án vay của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh; khuyến khích người vay trả nợ trước hạn để giảm dư nợ bảo lãnh.
Theo Bộ Tài chính, các chỉ số dư nợ năm 2018 đều giảm so với năm 2017. Nợ công/GDP đạt 58,4%; nợ Chính phủ/GDP đạt 50%; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/Thu Ngân sách Nhà nước đạt 15,9%; nợ nước ngoài quốc gia/GDP đạt 46%; kỳ hạn phát hành Trái phiếu Chính phủ bình quân (năm) đạt 12,7%.
Các chỉ tiêu nợ nói trên đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội quyết định và thấp hơn mức dự kiến tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Lý giải về những kết quả đạt được, đại diện Bộ Tài chính cho hay, những kết quả đạt được chủ yếu do nền tảng vĩ mô khởi sắc, tăng trưởng GDP vượt kế hoạch và đạt mức cao nhất trong 11 năm qua.
Việc điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều thành quả khả quan, thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, dự kiến bội chi Ngân sách Nhà nước thấp hơn so với dự toán là 3,7% GDP, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ.
Giải ngân vốn ODA, ưu đãi nước ngoài chậm hơn dự kiến và biến động tỷ giá được kiểm soát tốt đã góp phần giảm quy mô nợ nước ngoài của Chính phủ khi quy ra đồng Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, việc kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh của Chính phủ, không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước và khuyến khích người vay trả nợ trước hạn dẫn đến giảm dư nợ bảo lãnh nước ngoài cũng là những yếu tố góp phần khiến nợ công giảm so với năm 2017.
Bình luận