Trao đổi với báo chí chiều 30/5 bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần phải xác định đầu mối đứng ra chịu trách nhiệm đến cùng khoản vốn vay.
Vị chuyên gia kinh tế này đặt câu hỏi: "Trong kế hoạch 5 năm tới Chính phủ sẽ vay bao nhiêu tiền, trong đó bao nhiêu phần trăm để đầu tư công, bao nhiêu là bảo lãnh trong doanh nghiệp và các tổ chức về sự nghiệp, bao nhiêu là để cho vay lại cần có một đầu mối thống nhất chịu trách nhiệm đến cùng để còn tính chuyện trả nợ".
Theo quy định, việc quản lý nguồn vốn vay được giao cho ba cơ quan là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng các cơ quan này chỉ chú trọng đến việc vay vốn chứ chưa tính đến phương án trả nợ và đến nay vẫn chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm cụ thể việc này.
"Đây chính là bất cập lớn dẫn đến tình trạng nợ công đã gần chạm trần (63,7% GDP)", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Video: Đại biểu Hoàng Văn Cường nói về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Cụ thể, nếu vay bảo lãnh để cho vay lại, Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Nếu vay về đầu tư công, Bộ Tài chính phải đứng ra làm đầu mối.
Đối với những khoản vay bảo lãnh, cơ quan bảo lãnh phải đảm bảo tránh nhiệm trong việc đứng ra trả nợ. Ông Cường cũng đề nghị Chính phủ nên giao cho Ngân hàng Nhà nước trách nhiệm trả nợ nếu đơn vị bảo lãnh không trả được chứ không được lấy tiền từ ngân sách để trả nợ công.
Với những dự án vay để đầu tư hạ tầng nằm trong chương trình đầu tư công của Chính phủ, Chính phủ sẽ phải trả.
Bộ Tài chính cân nhắc xem nguồn thu ngân sách nếu có thể trả được, đồng thời chịu trách nhiệm đứng ra vay, bố trí nguồn thu ngân sách để trả.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng như vậy nguồn vốn vay sẽ đảm bảo hiệu quả và không xảy ra tình trạng khủng hoảng nợ công.
Bình luận