Sáng 15/2, tiếp tục phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 8), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nhóm người nghèo vào dự thảo Luật.
"Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã bổ sung điểm G bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là người nghèo (“thành viên của hộ nghèo”) tại khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật", ông Lê Quang Huy nói.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thông tin, qua tiếp xúc cử tri cho thấy người dân quan tâm đến quy định liên quan đến Điều 8 của dự thảo Luật, trong đó người nghèo và hộ nghèo là đối tượng được ưu tiên sử dụng các dịch vụ công. Cử tri và Nhân dân ủng hộ theo hướng người nghèo được bảo vệ quyền lợi trong trường hợp các thông tin về dịch vụ công phải bảo đảm chính xác, đầy đủ như đăng ký và thông báo.
"Người dân, những đối tượng yếu thế muốn được giá sử dụng dịch vụ công phù hợp với khả năng chi trả và thu nhập, nhất là các đối tượng người nghèo, hộ nghèo", ông Vũ Hồng Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dẫn chứng từ vấn đề giá điện, thời gian qua EVN đang kêu lỗ và cho rằng giá điện đang thấp, nhưng là thấp đối với các hộ sản xuất kinh doanh. Giá điện thấp vô hình trung lại khiến các nhà sản xuất thâm dụng năng lượng và đầu tư sản xuất công nghệ không thâm dụng năng lượng, không thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, đối với giá sinh hoạt của những hộ nghèo thì giá điện vẫn là cao. Theo ông Vũ Hồng Thanh, khi đó, phải có chính sách của Nhà nước để hỗ trợ thêm cho các đối tượng người nghèo, hộ nghèo trong sử dụng dịch vụ công.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng báo cáo vấn đề cần xin ý kiến, đó là về khái niệm người tiêu dùng. Hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong dự thảo Luật, vì trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân, mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại.
Loại ý kiến thứ hai (quan điểm của Chính phủ) cho rằng, không cần thiết đưa tổ chức vào khái niệm “người tiêu dùng, vì theo báo cáo tổng kết thi hành Luật hiện hành của Bộ Công thương, trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít.
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nghiêng về phương án 1.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần đánh giá thực tiễn thực thi pháp luật tại Việt Nam để có quy định vấn đề này phù hợp.
"Luật hiện hành quy định bảo vệ cả cá nhân, tổ chức mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm như vậy. Bây giờ bỏ tổ chức, mà tổ chức lại là người tiêu dùng khá phổ biến tại Việt Nam, thì có nên không?", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và đề nghị phải “lý sự”, “đánh giá kỹ” hơn căn cứ lựa chọn để bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng.
Vấn đề nữa được ông Vương Đình Huệ lưu ý là nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định khá kỹ lưỡng nhưng nghĩa vụ chưa được quy định đầy đủ.
Nhấn mạnh sự ngang bằng trách nhiệm trước pháp luật của các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các quy định của luật không được làm phương hại đến lợi ích của tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ, nhất là chi phí tuân thủ pháp luật.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp 5 (tháng 5/2023).
Bình luận