• Zalo

Bổ sung 5 hành vi cấm quảng cáo vào dự luật

Thời sựThứ Tư, 11/01/2012 07:24:00 +07:00Google News

(VTC News)– Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự luật quảng cáo quy định “cấm quảng cáo trên cây xanh - nhưng họ lại dán trên cột điện thì sao?!”

(VTC News) – Thảo luận về một số hành vi bị cấm quảng cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đưa ra câu hỏi, dự luật Quảng cáo quy định “cấm quảng cáo trên cây xanh - nhưng họ lại dán trên cột điện thì sao?!”


Về dự án luật Quảng cáo, chiều 10/1, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) Đào Trọng Thi cho biết, có thêm 5 hành vi cấm quảng cáo được bổ sung vào dự luật Quảng cáo, trong đó có hành vi treo, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cây xanh nơi công cộng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, cần quy định cụ thể cấm dán quảng cáo trên cột điên vì thực tế dán quảng cáo trên cột điện dễ dính hơn dán trên cây xanh (Ảnh: KTĐT) 


Hành vi cấm này được Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn: “Họ không dán cây xanh mà họ dán cây… cột điện thì sao?”. Theo ông Sơn thì không thấy quy định cấm dán quảng cáo trên cột điện, trong khi thực tế, quảng cáo bị dán trên cột điện nhiều hơn vì cột điện dễ dính hơn cây xanh.


Ngoài quy định cấm nếu trên, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Đào Trọng Thi cũng cho biết, dự thảo luật Quảng cáo tiếp thu ý kiến các ĐBQH và cũng bổ sung những hành vi bị cấm khác như: Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội;


Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, định kiến về người khuyết tật; Mọi hình thức ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn; Sử dụng danh nghĩa, hình ảnh, địa vị, uy tín, của tổ chức y, dược hoặc của cán bộ y tế, để quảng cáo thuốc và dịch vụ y tế.


Như vậy, theo dự án luật Quảng cáo thì cùng với các hành vi bổ sung nêu trên có tổng cộng 17 hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như: Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng; Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam;


Cùng với đó, cấm quảng cáo không đúng về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố;


Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác; Quảng cáo có sử dụng các thuật ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”, “siêu việt”, “hàng đầu” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh;


Dự án luật cũng cấm quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em; Quảng cáo dưới hình thức phát tờ rời, tờ gấp, dán, viết, vẽ các sản phẩm quảng cáo ngoài nơi quy định…


Nêu ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị “tính thêm còn gì cấm nữa thì cấm”, dù theo ông Sơn thì các hành vi cấm nêu trong luật khá đầy đủ.


Ngoài ra, liên quan đến những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, một vấn đề chưa thống nhất ý kiến đó là quy định về cấm quảng cáo rượu.


Theo đó, dự luật quy định cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 30 độ trở lên. Nhưng một số ý kiến đề nghị cấm quảng cáo rượu có độ cồn trên 15 độ, ý kiến khác lại đề nghị cấm quảng cáo rượu có độ cồn trên 25 độ, có ý kiến đề nghị cấm quảng cáo rượu hoàn toàn.


Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Đào Trọng Thi cho rằng, xuất phát từ thực tiễn rất nhiều tệ nạn xã hội, tai nạn do người uống rượu gây ra, do vậy, việc hạn chế quảng cáo rượu là cần thiết, tuy nhiên các quy định phải phù hợp với phong tục, tập quán cũng như các điều ước quốc tế đã ký kết. Do vậy, Thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ tiếp tục đề nghị Bộ VHTT&DL và Bộ Công thương nghiên cứu cung cấp căn cứ để đưa ra quy định hợp lý.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn