Bắt đầu làm thêm từ năm thứ 3 đại học với công việc bán hàng, sau hơn 10 năm gắn bó với thời trang, anh Tô Quốc Tiến (SN 1985) nhanh chóng đảm nhận vai trò quản lý cửa hàng cho một số nhãn hiệu thời trang nổi tiếng tại Việt Nam.
Công việc thăng tiến đồng nghĩa mức lương thay đổi, từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng, khoản thu nhập mơ ước với bạn bè đồng trang lứa.
Không chỉ vậy, công việc này còn đem đến cho anh một tình yêu mỹ mãn. Anh Tiến và vợ quen nhau từ khi hai người còn là nhân viên bán hàng. Gắn bó với cửa hàng đến khi tốt nghiệp đại học, chị lên kế toán trưởng, anh lên cấp quản lý. Tình yêu từ những gian khó đầu đời dẫn đến một gia đình hạnh phúc.
Tuy nhiên, hơn 1 thập kỉ gắn với ngành thời trang, anh quyết định rẽ hướng sang kinh doanh bất động sản để tìm sự mới mẻ trong công việc. Thế nhưng, khi chuyển ngành, anh lại gặp nhiều khó khăn và kết quả không được như ý muốn. Trong lúc bế tắc, anh chợt nghĩ trong đầu ý tưởng: "Hay về bán bánh mỳ”…
“Lúc ấy mình nghĩ bán bánh mỳ thịt nguội, làm từ nhỏ rồi phát triển lớn lên, nghĩ cũng vui”, anh Tiến chia sẻ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thông tin nhượng quyền, anh biết đến bánh mỳ Kebab Torki của anh Lê Quốc Thạch – một nhân vật nổi bật trong cộng đồng giới trẻ khởi nghiệp, từng được nhiều tờ báo giới thiệu.
“Bánh mỳ thịt nguội chi phí đầu tư lớn, tính khả thi không cao, hình ảnh không có nhiều đột phá”, anh Tiến phân tích. Anh bốc điện thoại và hẹn với người sáng lập Kebab Torki ngay hôm sau vì thấy thương hiệu ấn tượng, bắt mắt.
Việc khó khăn nhất với anh khi chuyển hướng bán bánh mỳ là tìm mặt bằng. Nhiều thương hiệu bánh mỳ nói chung đều phải có mặt bằng gần trường học, vì học sinh, sinh viên là đối tượng chính sử dụng sản phẩm; thứ hai là dân văn phòng, họ cần thức ăn nhanh để mang đi.
Sáng đi làm, tối đi kiếm mặt bằng để khởi nghiệp. Tình cờ thấy một tiệm bán cây cảnh trên đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh (TP. HCM) dù không treo bảng cho thuê nhà nhưng như một cái duyên, anh hỏi vui thì bất ngờ chủ quán cho biết cũng đang có ý định chia sẻ mặt bằng. Kiếm được mặt bằng ưng ý với số tiền vừa phải, anh bắt tay vào làm.
Những ngày đầu khai trương, tiệm Kebab Torki của anh Tiến thu hút được rất đông sự chú ý của mọi người. Mỗi ngày anh bán từ 200 – 300 bánh. Ngoài ra, anh Tiến còn có đội ngũ làm việc part-time bánh bánh mỳ tại các điểm trường học, mỗi sáng cũng bán được từ 50 – 100 bánh.
Với giá 17 nghìn đồng/chiếc, sau khi trừ nguyên liệu và nhân công, anh lãi từ 6-7 nghìn đồng/bánh. Tính ra, mỗi tháng lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng. So với mức lương ở công ty cũ, mức thu nhập của anh tăng 2 – 3 lần.
Tuy nhiên, vừa mở bán được một thời gian, giá thịt lợn tăng phi mã dịp cận Tết nguyên đán, anh cùng mọi người đau đầu tìm giải pháp tháo gỡ nguyên liệu. Nhân bánh mỳ thịt lợn được chuyển sang bánh mỳ gà.
Qua bão “thịt heo”, tưởng như bước sang năm mới sẽ sóng yên biển lặng, ai ngờ “bão Covid-19” ập đến, học sinh các trường cấp 2, cấp 3 nghỉ đến cả tháng trời, quán bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão dịch. Tuy đối mặt với khó khăn, anh Tiến vẫn vui vẻ: “Sóng gió làm ta trưởng thành”.
Từ một người làm từ lĩnh vực thời trang chuyển sang kinh doanh ẩm thực, với anh Tiến là cả một sự khác biệt.
“Trước đây khi còn làm trong ngành thời trang mình cũng từng có ý định khởi nghiệp, nhưng không phải mở một nhãn hiệu mà muốn mở một nhà hàng ăn uống vì ẩm thực cũng là đam mê của bản thân.
Quê mình ở Phan Rang (Ninh Thuận) có nhiều món đặc sản khá ngon như bánh căn, bánh bèo… Nhưng nếu tự phát triển thương hiệu cá nhân thì mức rủi ro khá cao, vốn đầu tư lại lớn. Vì thế mình quyết định lựa chọn hình thức nhượng quyền để bắt đầu khởi nghiệp”, anh chia sẻ.
Công việc mới mặc dù giúp anh thoải mái hơn trong suy nghĩ, bù lại cũng vất vả hơn vì mọi thứ đều mới mẻ. Tuy nhiên, nhìn lại quyết định của mình, anh Tiến không hề hối hận.
Bình luận