Liên quan vụ việc tuyển dụng, bổ nhiệm và chuyển công tác đối với ông Vũ Minh Hoàng - Vụ phó (Phó Vụ trưởng) Vụ Kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phong Quang - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.
Ông Nguyễn Phong Quang là lãnh đạo thường trực Ban lúc bấy giờ đã quyết định và chỉ đạo tuyển dụng, bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng, đồng thời hiểu rõ nhất về thân thế và quá trình công tác của Vụ phó này.
- Ông có thể nói rõ về thân thế của ông Vũ Minh Hoàng và lý do vì sao Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ quyết định sử dụng ông Hoàng và can thiệp để không phải thi công chức?
Về lai lịch gia đình cũng như bản thân Vũ Minh Hoàng có ông chú là Đại tá Công an - Phó Vụ trưởng của Tây Nam bộ nên Ban mới nhận chứ không có làm ăn những dự án gì trên địa bàn Cần Thơ, Hậu Giang. Thông tin này hoàn toàn không có.
Từ gia đình quan hệ như vậy thì được biết Vũ Minh Hoàng học qua các trường mà báo chí đã nêu. Những trường này nổi tiếng ở Nhật Bản, Trung Quốc. Chúng tôi thấy Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Cần Thơ hoặc một số tỉnh xung quanh khó có người nào biết 4-5 thứ tiếng.
Qua làm việc, theo dõi rồi cũng có những chuyến công tác, chúng tôi cũng nhờ Vũ Minh Hoàng làm phiên dịch, lo toan cho những công việc của Hội nghị xúc tiến đầu tư của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ lúc bấy giờ ở Hà Lan, Nhật Bản rồi một số nước Châu Á và làm rất tốt.
Từ chỗ đó, chúng tôi mới đề nghị với Ban Tổ chức Trung ương xin tuyển thẳng vào công chức để làm công việc xúc tiến đầu tư cho Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.
Chúng tôi đề nghị thì được Ban Tổ chức Trung ương đồng ý, mà lúc đó anh Nguyễn Hoàng Việt - Phó Ban Tổ chức Trung ương ký.
Chúng tôi cũng nghiên cứu một bước nữa là đề nghị với Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ của Trung ương xem lại gốc tích, lai lịch bản thân, quá trình học vấn của Vũ Minh Hoàng như thế nào.
Sau đó, Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ của Trung ương có văn bản cho biết, đồng chí này học giỏi, nhân thân tốt. Đồng chí có điều kiện và năng lực tham gia các cấp ủy của Đảng.
- Vậy ai là người quen biết và giới thiệu ông Vũ Minh Hoàng, thưa ông?
Vũ Minh Hoàng vào trong này thăm người chú đang là đại tá Công an. Qua đó, mình mới thăm dò tìm hiểu. Rồi những lần anh Đoàn Xuân Hưng - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cũng đi về chung, thì mình mới biết và xin.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng biết gia đình của Hoàng cũng có đóng góp cho xã hội, nên mình mới xin Vũ Minh Hoàng.
- Theo ông, bổ nhiệm ông Hoàng làm Vụ phó là để có cương vị, giao dịch với đối tác và xúc tiến đầu tư ở nước ngoài?
Chúng tôi ý định là muốn mở bộ phận quan hệ xúc tiến đầu tư và có một văn phòng đại diện hoặc một tổ đại diện ở bên Nhật Bản và đồng chí Hoàng sẽ phụ trách. Đồng chí Đoàn Xuân Hưng lúc đó là Đại sứ Việt Nam ở Nhật Bản cho rằng nên có một chức gì để cho đồng chí Hoàng quan hệ với đối tác và làm việc với bạn hoặc doanh nghiệp.
Xuất phát từ chỗ đó, chúng tôi có trao đổi với một số đồng chí trong cấp ủy, rồi một số đồng chí lãnh đạo ban.
Video: Bổ nhiệm Vụ phó 26 tuổi Vũ Minh Hoàng: Quy trình lạ chưa từng có
- Vậy thưa ông, lãnh đạo Ban lúc này gồm những ai?
Lãnh đạo ban lúc đó chỉ có 4 đồng chí là tôi, anh Nguyễn Quốc Việt - Bí thư Đảng ủy, anh Trần Phi Hổ, rồi anh Võ Minh Chiến. Chúng tôi có trao đổi và được sự thống nhất với nhau, nên mới tiến hành bổ nhiệm.
Bổ nhiệm là nhằm mục đích để Vũ Minh Hoàng có cái hàm và có cương vị làm việc với đối tác nước ngoài chứ không phải vì nhu cầu mưu lợi hoặc là quen thân hay là con ông cháu cha này kia
Ông Nguyễn Phong Quang
Bổ nhiệm là nhằm mục đích để Vũ Minh Hoàng có cái hàm và có cương vị làm việc với đối tác nước ngoài chứ không phải vì nhu cầu mưu lợi hoặc là quen thân hay là con ông cháu cha này kia.
Qua thực tiễn xem xét về điều kiện con người, năng lực thực sự để giúp cho xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại ĐBSCL nên Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chúng tôi mạnh dạn và bổ nhiệm.
- Việc bổ nhiệm này theo ông là từ nhu cầu thực tế đặt ra và việc bổ nhiệm này đã được nhiều vị lãnh đạo Ban thời điểm đó có ý kiến. Tuy nhiên, dư luận cũng có đặt câu hỏi là việc làm quy trình bổ nhiệm rất nhanh và cũng không nhiều cán bộ lãnh đạo ở Ban thời điểm đó biết. Ông có giải thích như nào về việc này?
Việc bổ nhiệm này thực sự trong ban lãnh đạo chúng tôi đều đồng ý, nhất trí. Bởi vì lãnh đạo Ban chúng tôi được quyền quyết định bổ nhiệm.
Còn các đồng chí khác, chúng tôi lấy quy trình tham khảo và cũng có tham khảo một số đồng chí. Có đồng chí đồng ý, có đồng chí thì chưa đồng ý.
Với tỷ lệ quá bán, chúng tôi tiến hành bổ nhiệm vì yêu cầu, nhiệm vụ bức xúc của xúc tiến đầu tư này. Cho nên từ đó, văn bản ký một ngày là bên Cần Thơ xin bên đây ký quyết định bổ nhiệm.
Nó có cái dích dắc thế này, đứng về góc độ kỹ thuật chúng tôi rút kinh nghiệm, chứ không động cơ gì hết. Cái chính là đảm bảo thời gian công việc xúc tiến đầu tư Nhật Bản.
Video: Để được bổ nhiệm Vụ phó phải đáp ứng các tiêu chuẩn gì?
- Quy trình bổ nhiệm cán bộ theo ông là phải họp lãnh đạo Ban như ông giải thích. Vậy ông có thể nói rõ hơn về quy trình bổ nhiệm ông Hoàng thì trong lãnh đạo Ban có thảo luận, cân nhắc có suy tính thiệt hơn, xét quá trình công tác không?
Chúng tôi nói rằng việc bổ nhiệm đồng chí này có đủ điều kiện, năng lực. Bên cạnh đó, tương lai lâu dài đồng chí Hoàng cũng muốn gắn bó ở đây. Vấn đề này, chúng tôi cũng tính đào tạo cho chuyện lâu dài đối với Tây Nam Bộ. Trên cơ sở đó chúng tôi có ý kiến là Văn phòng của Ban Chỉ đạo họp lại, rồi có ý kiến bằng văn bản, rồi báo với lãnh đạo Ban.
Trong đó, lãnh đạo Ban có 4 đồng chí như tôi nói, thì nói chung đều cơ bản nhất trí bổ nhiệm. Bổ nhiệm để làm nhiệm vụ ở Nhật Bản, để xúc tiến đầu tư ở Nhật Bản. Còn nếu ở tại Ban thì chưa bổ nhiệm vì thời gian hơi mới quá. Vấn đề này chúng tôi có cân nhắc kỹ.
Ở tại Ban thì không bao giờ bổ nhiệm, phải có thời gian, cho nên vì xúc tiến đầu tư thì mới quyết định hơi sớm. Ở đây như anh (PV) có nêu là sao việc bổ nhiệm quá nhanh? Bởi vì một là chọn người tương xứng với đối tác xúc tiến đầu tư. Thứ hai công việc ngày giờ nó đến, từ đó chúng tôi gấp rút và ký với thời gian không phù hợp.
Cái này, chính chúng tôi cũng thấy rằng nên có rút kinh nghiệm. Việc này cũng vì lợi ích chung chứ không có gì riêng tư hay gì hết.
- Qua báo chí rồi thông tin đại chúng thì nhiều lãnh đạo các Vụ, thậm chí có lãnh đạo Phó Ban nói là không biết về trường hợp này. Chỉ khi ông Hoàng được chuyển về Cần Thơ thì mới biết ông này là Vụ phó. Ông nói gì về vấn đề này?
Một số đồng chí nói là không biết thì cũng có. Không biết là vì khi đó đồng chí Hoàng đi học, đi làm công tác xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. Khi đồng chí Hoàng về, các đồng chí này có khi đi công tác hoặc là không có gần gũi.
Tuy nhiên, có những đồng chí tôi trực tiếp trao đổi và tham khảo thì đồng chí nói giao cho lãnh đạo Ban quyết định.
Bởi vì nhu cầu bức xúc này, chúng tôi làm hoặc là các đồng chí lãnh đạo Ban đã nghỉ hưu, thời điểm này không có ở đó thì làm sao biết. Quy trình chúng tôi lấy từ chỗ văn phòng, rồi báo cáo cho Đảng ủy. Đảng ủy trong này cũng không báo cáo hết chỉ báo cáo một số đồng chí thôi, rồi qua lãnh đạo Ban.
Sau khi lãnh đạo Ban tiến hành thực hiện thì có cuộc họp thông báo rộng rãi ở trong cán bộ công nhân, viên chức, thông báo cho cán bộ công nhân viên chức trước cuộc họp báo, chứ đâu phải là giấu. Như vậy chuyện này nói như vậy hoàn toàn chưa đúng hết.
Tôi cho rằng có tham khảo và trao đổi đàng hoàng, công khai chứ đâu có gì phải giấu. Từ chỗ này mà nói đề bạt, bổ nhiệm gấp thự ra là do nhu cầu công việc là phải đối tác với bạn, để có vị trí tương xứng trong xúc tiến đầu tư.
Đồng chí Hoàng cũng đi học hành không nhận lương, cũng không nhận bảo hiểm gì hết và tự thân đóng góp. Cán bộ hy sinh được như vậy, tôi cho là tốt.
- Ông có nói trường hợp ông Vụ phó đi học tập nước ngoài tự nguyện không nhận lương Nhà nước. Vậy từ trước đến nay có những tiền lệ nào chưa, thưa ông?
Hiện cũng có những trường hợp cán bộ xin đi học mà chế độ đi học tự lực, ngay Ban chỉ đạo cũng có 2 -3 đồng chí đi học tự lực không tốn tiền nhà nước.
Có những đồng chí như đồng chí Hoàng xin không lãnh lương, không gì hết để tự lực phần lương này để cho anh em cơ quan, làm công việc khác hoặc là từ thiện xã hội mà tôi cho đây cái tâm cán bộ tốt không tính lợi dụng chế độ chính sách nhà nước.
- Vậy theo ông, bản thân ông Vũ Minh Hoàng khi về Ban đã làm được gì cho Ban cũng như cho lợi ích chung của ĐBSCL?
Từ khi về làm việc ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đồng chí Hoàng đã đi làm việc mấy chỗ. Một là đi xúc tiến đầu tư ở Nhật Bản và đã có khoảng 70 - 80 doanh nghiệp về đây, xúc tiến đầu tư nhiều dự án hoặc vườn ươm công nghệ ở Cần Thơ, rồi đi Hà Lan nghiên cứu về xâm nhập mặn thì đồng chí Hoàng có tham gia dẫn đoàn và giúp cho nhiều vấn đề.
Ngoài ra, diễn đàn MDEC hàng năm, đồng chí Hoàng cũng có vận động doanh nghiệp, đại sứ quán về đóng góp cho khu vực Tây Nam Bộ, tôi nghĩ đây là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.
- Vì sao Ban chỉ đạo nhận ông Hoàng về để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến ở Nhật Bản rồi các thị trường Châu Á lâu dài. Vậy sao khi TP. Cần Thơ vừa xin thì mình lại đồng ý ngay?
Bởi vì vấn đề của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tới đây tập trung cho vấn đề quốc phòng, an ninh. Lĩnh vực kinh tế cũng sẽ thu hẹp.
Cần Thơ thấy rằng thành phố trung tâm phải mở rộng, phải có sự phát triển, xúc tiến đầu tư lớn, Cần Thơ thấy đồng chí Hoàng giỏi, có năng lực nên mới xin về. Chúng tôi cũng thấy xuất phát từ yêu cầu công việc của Thành phố Cần Thơ nên việc xin đồng chí Hoàng là chính đáng.
- Trong công văn xin và đồng ý chuyển Vụ phó Vũ Minh Hoàng đều cùng một ngày là 17/2/2016. Đây có phải là việc bình thường không, thưa ông?
Về mặt thủ tục, quy trình, có những cái anh em làm nó hơi sơ hở và không được chặt chẽ. Thay vì ký quyết định đề bạt hay công văn của Cần Thơ để một bữa, hai bữa thí dụ vậy.
Cùng một ngày mình ký 2 quyết định cái đó thì chúng tôi rút kinh nghiệm. Cái này chính văn phòng, anh em bên dưới làm kiểm tra chỗ văn phòng trình không khớp. Từ đó, chúng tôi đề nghị nên rút kinh nghiệm trong việc thực hiện công việc hành chính như thế nào cho hợp lý. Đó là bài học kinh nghiệm rút ra.
- Khi tuyển dụng, bổ nhiệm ông Hoàng thì bản thân ông và Ban có chịu sức ép và động cơ gì khác không?
Chúng tôi không tính tư lợi, chỉ vì mục đích chung của ĐBSCL về xúc tiến đầu tư. Bởi vì ĐBSCL xúc tiến đầu tư thấp hơn so với các vùng miền khác. Cho nên, những con người am hiểu làm dự án, xúc tiến đầu tư nó ít đi. Vì thế, chúng tôi mạnh dạn xin. Gốc của vấn đề là như vậy chứ không có động cơ gì hết.
- Qua vụ việc này với bản thân ông nguyên là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đồng thời là người chỉ đạo trực tiếp thực hiện bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng. Ông đã rút ra những kinh nghiệm gì?
Lúc đó tôi Phó Ban thường trực, tôi ủy quyền cho đồng chí Việt - Bí thư Đảng ủy, Phó ban theo dõi, kiểm tra và tổ chức thực hiện. Tôi thấy đồng chí Việt làm như vậy là tốt.
Có những người nói đồng chí Việt là Phó ban tại sao đi ký cái mảng này. Tôi nói rõ, là Phó ban, Bí thư Đảng ủy, tôi giao công việc này cho đồng chí làm. Đó là đúng không có gì sai. Những việc ký bổ nhiệm hoàn toàn đúng chứ không phải bổ nhiệm “ma” đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ 2, nếu mình làm mà theo công việc bình thường, làm tới đậu được chăng hay chớ, ai muốn làm gì cũng được chỉ thủ cái thân mình, thì đất nước mình, quê hương này khó phát triển.
Khi chúng tôi quyết định những con người nhận và giao nhiệm vụ là chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân.Mọi việc thất bại và thành công, chúng tôi là những người chịu trách nhiệm, không đổ lỗi đâu hết.
Chúng tôi rút ra kinh nghiệm đây không phải nhận người nhỏ tuổi hoặc lớn tuổi nhưng mà tôi thấy một tư duy con người làm được việc thì chúng tôi nhận. Nhỏ nhưng mà đầu óc tư duy nhạy bén, có đạo đức, có phong cách tốt thì chúng tôi sẽ tiếp nhận và bố trí đề bạt. Dù có sớm hơn theo tôi cũng không có gì để nói. Có những người đi 5 -6 năm không làm được việc thì cũng không thể đề bạt được.
Xin cảm ơn ông.
Video: Để được bổ nhiệm làm vụ phó cần đáp ứng những yêu cầu gì?
Bình luận