• Zalo

Quan chức Quốc hội khẳng định 'khuất tất, sai trái' bổ nhiệm vụ phó 'thần tốc'

Thời sựThứ Ba, 13/12/2016 13:22:00 +07:00Google News

Quan chức Quốc hội đã chỉ ra hàng loạt nghi vấn khuất tất và dấu hiệu làm sai trái các quy định của pháp luật về việc tuyển dụng, bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng.

Liên quan đến vụ ông Vũ Minh Hoàng (SN 1990, quê Bắc Ninh) được bổ nhiệm 'thần tốc', ngày 12/12, trả lời PV VTC News, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội nói:

nguyen sy cuong

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội 

Tôi cho đây là một vụ việc khá điển hình trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ. Việc bổ nhiệm và tuyển dụng này có rất nhiều khuất tất và sai trái.

 
Việc bổ nhiệm và tuyển dụng này có rất nhiều khuất tất và sai trái

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

Tôi có thể khẳng định có nhiều dấu hiệu làm trái các quy định của pháp luật về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.

- Cụ thể những dấu hiệu làm trái các quy định của pháp luật về tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ trong trường hợp của ông Vũ Minh Hoàng là gì, thưa ông?

Trước hết, đó là vấn đề tuyển dụng.

Những đối tượng này muốn được tuyển dụng vào công chức phải qua thi tuyển. Thế nhưng ở đây người ta đã “lợi dụng” quy định của pháp luật về vấn đề thu hút nhân tài để bỏ qua tất cả các khâu xét tuyển cũng như thi tuyển.

Nếu theo quy định tuyển dụng thông thường thì phải có thông báo rộng rãi. Trên cơ sở đó mới có những đối tượng ưu tiên nhất định để tuyển dụng.

Tuy nhiên, ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thời đó đã bỏ qua tất cả những điều đó với lý do là “thu hút nhân tài”.   

Nhưng thu hút nhân tài là về để làm việc chứ không phải trên giấy tờ. Bởi vì thực tế Vũ Minh Hoàng không về làm việc ở ban chỉ đạo Tây Nam Bộ ngày nào cả.

Thu hút nhân tài nhưng không làm việc như vậy thì có gọi là thu hút nhân tài hay không. Thu hút nhân tài nhưng sau một thời gian ngắn lại để cho người ta đi thì có gọi là thu hút nhân tài không.

Cho nên, riêng về vấn đề tuyển dụng thì những lãnh đạo ban chỉ đạo Tây Nam Bộ trước đây đã “lợi dụng” quy định của pháp luật và cố ý làm trái.

vu minh hoang -6

 Nguyên Phó Vụ trưởng 26 tuổi Vũ Minh Hoàng và quyết định bổ nhiệm gây xôn xao dư luận

- Còn đối với việc bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng thì sao, thưa ông?

Theo “Quyết định số 27/2003/QĐ-TTG về Quy chế Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo” thì việc bổ nhiệm phải theo đúng quy trình thủ tục và phải có điều kiện đối với việc bổ nhiệm.

Trong trường hợp này, lãnh đạo ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã làm rất gấp gáp, bỏ qua nhiều khâu. Người ta đã không thông qua danh sách để những cán bộ chủ chốt của ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nắm được.

Những lãnh đạo ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thời đó đã không thông qua cấp uỷ ở đó, không xem xét trong cấp uỷ để bỏ phiếu lựa chọn đối tượng bổ nhiệm. Sau đó, phải lấy phiếu tín nhiệm ở đơn vị người đó được bổ nhiệm.

Thực tế, những người ở đơn vị đó không hề biết. Thậm chí lãnh đạo ở đấy cũng nói rằng không hề biết việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng.

Đương nhiên, lãnh đạo Vụ Kinh tế mà ông Vũ Minh Hoàng được bổ nhiệm cũng không hề biết.

Như vậy, quy trình bổ nhiệm cán bộ là không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quy trình thủ tục.

Video: Những điều chưa biết về Vụ phó 26 tuổi Vũ Minh Hoàng

- Điều kiện tiêu chuẩn để bổ nhiệm một Vụ phó cũng không phải đơn giản, thưa ông?

Về điều kiện tiêu chuẩn, những người tiến hành bổ nhiệm chỉ có căn cứ vào những bằng đại học, trên đại học và các chứng chỉ ngoại ngữ của ông Vũ Minh Hoàng mà không biết thực tế trong hồ sơ có những gì.

Trong khi đó, đối với lãnh đạo cấp Vụ thì việc bổ nhiệm đòi hỏi điều kiện tiêu chuẩn phải là chuyên viên chính trở lên.

Tuy nhiên, Vũ Minh Hoàng vừa được tuyển dụng sau một thời gian rất ngắn, không biết Vũ Minh Hoàng đã thực hiện thời gian tập sự chưa. Nếu xét tập sự rồi thì mới đủ tiêu chuẩn là chuyên viên.

Nhưng ở đây tôi biết Vũ Minh Hoàng chưa xét tập sự thì đến chuyên viên cũng là chưa đủ tiêu chuẩn chứ chưa nói gì đến là chuyên viên chính.

Bên cạnh bằng cấp chuyên môn thì cần có tiêu chuẩn về chính trị. Đối với cán bộ lãnh đạo cấp Vụ thì phải có bằng Cao cấp lý luận chính trị và phải có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính.

Những điều kiện, tiêu chuẩn này cần phải kiểm tra lại hồ sơ xem ông Vũ Minh Hoàng có đáp ứng được các tiêu chuẩn đó hay không.

- Ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng do thời điểm đó cần người và cần một “cái hàm” để thuận lợi cho công việc của ông Vũ Minh Hoàng khi giao dịch với các đối tác nước ngoài. Ông có đồng tình với cách lý giải này không?

Những lý do đó, cách phát ngôn đó chỉ là cách để lấp liếm việc tuyển dụng và bổ nhiệm thôi. Dùng đúng từ là để lấp liếm việc làm sai thôi.

Còn nếu đúng quy định của pháp luật thì dù làm nhanh hay làm chậm thì vẫn phải đáp ứng các quy trình, thủ tục đã được đưa ra.

Còn nếu bảo không cần thì pháp luật quy định để làm gì.

vu-minh-hoang_1_500_300_731

 

- Một số ý kiến cũng cho rằng ông Vũ Minh Hoàng có nhiều bằng cấp chuyên môn, biết nhiều ngoại ngữ nên cần phải có chính sách thu hút nhân tài kịp thời?

 
Liệu ban chỉ đạo Tây Nam Bộ có phải cần người có quá nhiều bằng cấp chuyên môn và nhiều ngoại ngữ đến như thế không?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

Trước hết cần phải xem xét lại, liệu ban chỉ đạo Tây Nam Bộ có phải cần người có quá nhiều bằng cấp chuyên môn và nhiều ngoại ngữ đến như thế không.

Nếu là vì gấp gáp nhận về thì phải để làm việc chứ nhận về trên giấy tờ thì đâu phải vì công việc.

Vì thế, đó lại là sự lấp liếm cho những sai trái thôi.

Thực tế, tôi hiểu Vũ Minh Hoàng cũng từng học qua nhiều nước. Còn về trình độ ngoại ngữ, theo những gì Vũ Minh Hoàng trả lời báo chí thì không phải là thông thạo 4 ngoại ngữ như nhiều người nói.

Vũ Minh Hoàng có trả lời báo chí rằng có thể tự tin sử dụng tiếng Trung để đi du lịch. Nếu trình độ ngoại ngữ để tự tin đi du lịch thì chỉ cần bằng A thôi.

- Ông có băn khoăn gì về cách thu hút, sử dụng nhân tài trong trường hợp này?

Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lại thiếu người tài đến thế sao. Thậm chí, không cần phải đưa người từ tận Bắc Ninh vào để bổ nhiệm Vụ phó Vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ như vậy.

Video: Đại biểu Quốc hội lên tiếng vụ bổ nhiệm Vụ phó Vũ Minh Hoàng

- Ngày 11/12, trả lời báo chí, trung tướng Trần Phi Hổ, nguyên Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ khẳng định không tham gia nhưng vẫn có tên trong biên bản họp lấy ý kiến bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế hồi đầu năm 2016. Việc đó nói lên điều gì, thưa ông?

Đó là minh chứng để chứng minh rằng việc bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng là không thực hiện theo đúng quy trình.

Bởi vì, quy trình là phải thông qua cấp Đảng uỷ của ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, và thông qua cán bộ chủ chốt của Ban để cho ý kiến về đối tượng đó.

- Gần đây, báo chí lại phát hiện trường hợp ông Nguyễn Tiến Khoa, đang là chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng 8 Thăng Long - Tổng Công ty Thăng Long (trụ sở ở Hà Nội), làm đơn xin về công tác tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Sau 20 tháng, ông Khoa cũng được bổ nhiệm chức Vụ phó Vụ kinh tế ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Quan điểm của ông về những trường hợp này thế nào?

Tôi đã có văn bản chính thức gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo thanh tra Bộ Nội vụ vào cuộc để làm rõ để có kết luận cụ thể về tình hình tuyển dụng, bổ nhiệm của ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Trường hợp củaVvũ Minh Hoàng chỉ là một thôi và cần mở rộng sang các đối tượng khác. Nói chung là việc tuyển dụng, bổ nhiệm ở ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Ngay sau khi báo chí phản ánh thông tin, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã yêu cầu xem xét và báo cáo ngay về việc tuyển dụng, bổ nhiệm. Vì vậy, các lãnh đạo đã nghỉ và đương chức cần phải xem xét lại sự việc ngay lập tức.

- Nếu phát hiện ra sai phạm trong việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng thì phải xử lý thế nào, thưa ông?

Nếu phát hiện ra sai phạm thì phải xử lý theo quy định của Đảng. Không ai là có thể “hạ cánh an toàn”. Minh chứng cho việc này là trường hợp nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.

Nếu người ta còn chức ở chính quyền thì xử lý mặt chính quyền, còn nếu người ta đã thôi chức thì xử lý về mặt Đảng.

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh (thực hiện)thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn