• Zalo

Bỏ học trường Y, nữ sinh TP.HCM theo đuổi đam mê nghiên cứu tại Mỹ

Kinh nghiệm sốngThứ Năm, 13/05/2021 07:00:35 +07:00Google News

Cô gái sinh năm 1997 – Mai Ngọc Hiền quyết định từ bỏ đại học Y ở Việt Nam để thực hiện giấc mơ trở thành nhà nghiên cứu tại Mỹ.

Sau 2 năm gap year, Hiền chinh phục thành công học bổng trị giá 160.000 USD cho 4 năm để theo đuổi ngành thần kinh học (Neuroscience) tại Đại học Ohio Wesleyan.

Dám từ bỏ 

Tình cờ trong một lần mượn bạn sách, em đọc về những sáng kiến trong nghiên cứu của nhà khoa học Issac Newton và cảm thấy rất thích thú. Tình yêu khoa học trong cô bé 10 tuổi cũng được vun vén dần. Lên cấp 3, em có thế mạnh về môn Sinh, Hoá nên sự yêu thích dành cho khoa học càng lớn hơn. Nhưng gia đình không ủng hộ việc đi du học. Vậy nên em thi vào đại học Y theo nguyện vọng của ba má”, Hiền nhớ lại.

Sau một năm theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đầu năm 2016, Hiền quyết định dừng lại trước sự phản đối kịch liệt của gia đình. 

“Thời gian đó em bắt đầu mày mò mua sách tự ôn tập tiếng Anh, tự học những kiến thức trong các bài thi chuẩn hoá của SAT, SAT 2, TOEFL. Em vừa đi làm vừa đi học, chắt góp từng đồng để có chi phí cho việc học, thi các chứng chỉ cũng như làm hồ sơ”, Hiền cho biết.

Ngoài việc học, Hiền còn dành nhiều thời gian đi 'phượt', tham gia các hoạt động thiện nguyện.

Tuy nhiên, cũng trong thời điểm chuẩn bị hồ sơ, gia đình xảy ra một biến cố lớn làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của Hiền. Câu chuyện này đã được Hiền đưa vào bài luận, thể hiện quá trình Hiền thay đổi bản thân, vượt qua khủng hoảng để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình. 

Cũng trong bài luận, Hiền kể về niềm đam mê với ngành Khoa học thần kinh và khát khao cháy bỏng được trở thành nhà nghiên cứu.

“Dù khó khăn đến nhường nào em vẫn theo đuổi. Em không có thành tích nổi trội về điểm học thuật, cũng không có giải thưởng, thậm chí điểm SAT chỉ đạt 1280/1600. Nhưng bộ hồ sơ là minh chứng cho cả quá trình em nỗ lực không ngừng để thực hiện niềm đam mê”, Hiền chia sẻ thêm.

Bỏ học trường Y, nữ sinh TP.HCM theo đuổi đam mê nghiên cứu tại Mỹ - 1

Mai Ngọc Hiền - Sinh viên ĐH Ohio Wesleyan. Ảnh: NVCC

Trong đợt gửi hồ sơ năm 2018, Hiền đã chinh phục thành công học bổng từ nhiều trường top 30 tới 100 đại học thuộc khối giáo dục khai phóng của Mỹ (Liberal Arts Colleges) như Depauw University, St.John’s Collge, Collge of Wooster, Ohio Wesleyan University, Bucknell University, Pitzer College và Whitman College với những mức hỗ trợ tài chính từ 40% đến 98% học phí cho 4 năm học.

Sau khi cân nhắc, Hiền lựa chọn Ohio Wesleyan University dù đây không phải là ngôi trường có thứ hạng cao nhất trong những trường em được nhận. Tuy nhiên, trường có hỗ trợ tài chính tốt nhất cho em và cũng là nơi Hiền cảm thấy phù hợp nhất. Hiền được nhận 160.000 USD cho 4 năm.

“Không ngôi sao nào không thể chạm tới”

Ngọc Hiền đang học song song 2 chuyên ngành hoá sinh (biophysicly) và khoa học thần kinh (neuroscience). 

Nữ sinh này chia sẻ: “Trong 3 năm vừa qua cuộc sống của em gắn liền với việc đến lớp học, lên phòng thí nghiệm để thực hành. Em được sống và làm việc với niềm đam mê khoa học của mình”.

Bỏ học trường Y, nữ sinh TP.HCM theo đuổi đam mê nghiên cứu tại Mỹ - 2

Nấu ăn là sở thích của Mai Ngọc Hiền.

Cô gái cũng không bao giờ quên năm đầu tiên tại Mỹ, em từng rơi vào khủng hoảng vì không bắt kịp nhịp học trên lớp. Nhưng ngay sau đó, Hiền lấy lại tinh thần, sắp xếp mọi thứ hợp lý để hoàn thành tốt những kỳ học tiếp. Những lúc căng thẳng, Hiền tìm đến sở thích nấu ăn, tìm niềm vui tiếp thêm năng lượng “chinh phục” khối kiến thức đồ sộ. 

“Không có ngôi sao nào không thể chạm tới - chỉ cần mình cố gắng, nỗ lực hơn nữa sẽ gặt hái được kết quả tốt”.

Ngoài những giờ học trên trường, Hiền dành khá nhiều thời gian tại phòng thí nghiệm tham gia các dự án thực tế. Theo em, đây cũng là lợi ích của việc học trong một môi trường giáo dục khai phóng. Mặc dù trường đại học của em khá nhỏ, chỉ có khoảng 1.500 sinh viên, nhưng nhờ thế, em có nhiều cơ hội được tương tác trực tiếp với giáo sư và có nhiều cơ hội nghiên cứu. Ngay từ năm thứ nhất, Hiền đã tham gia nghiên cứu về tác động của trò chơi điện tử đến nhận thức và chức năng não. 

Chính nhờ những kinh nghiệm nghiên cứu tích lũy được ở những năm đại học, tới năm 3, Hiền đã nộp hồ sơ ứng tuyển thành công vào chương trình thực tập và nghiên cứu mùa hè tại trường đại học Washington University in St. Louis (top 16 đại học tại Mỹ theo US News năm 2021). Trong 10 tuần này, Hiền đươc đài thọ 7.000 USD để nghiên cứu cùng với các chuyên gia về Khoa học thần kinh.

Theo Hiền, đây là một chương trình thực tập nghiên cứu cạnh tranh, hàng năm chỉ nhận chưa tới 10 sinh viên, và tỉ lệ sinh viên quốc tế được nhận còn ít hơn.

Em hi vọng mình có thể tạo động lực cho các bạn ở những trường nhỏ tự tin hơn về bản thân và thử sức ứng tuyển vào các chương trình nghiên cứu, thực tập ở các công ty hay trường đại học lớn” - Hiền chia sẻ.

Hiện tại, Hiền đang nghiên cứu về sử dụng kĩ thuật CRISPR/Cas9 (1 kĩ thuật chỉnh sửa genes đạt giải Nobel Hoá học năm 2020) trong nghiên cứu khả biến thần kinh (synaptic plasticity). Mỗi dự án đều có yêu cầu riêng nên Hiền luôn chủ động tìm hiểu thông tin, đọc các nghiên cứu quốc tế để nắm rõ được bản chất.

Theo Hiền: “Nghiên cứu khoa học không phải điều gì quá phức tạp, thực chất mình sẽ trả lời một câu hỏi, một vấn đề chưa làm rõ hoặc tìm được một thông tin mới. Bắt đầu từ những phát hiện nhỏ, mình ứng dụng kiến thức có được vào khảo sát thí nghiệm để tìm ra kết luận. Em nghĩ theo đuổi nghiên cứu là chặng đường dài không ngại thất bại. Học hỏi không ngừng từ sách vở đến kinh nghiệm của các giáo sư, giảng viên. Chính họ là những thế hệ đi trước có thể dẫn dắt, mang tới cơ hội tương lai nếu chúng ta biết cố gắng”.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn