Là một người có bệnh ở tim, ông Quang phải tránh sự xúc động quá mức. Thế nhưng trước kỳ tích của con trai, người chiến sĩ công binh kỳ cựu này không thể kìm nén được. “Huy chương vàng đầu tiên của Việt Nam ở một kỳ thế vận hội mà anh, người ngoài còn tự hào huống hồ là tôi”, ông Quang cho biết.
Mẹ đẻ anh Vinh mất khi anh mới được 5 tuổi. Ông Quang khi đó là bộ đội công binh đã đón hai anh em anh Vinh từ quê lên nhà tập thể Bộ tư lệnh công binh để tiện chăm sóc. 3 năm sau, ông Quang đi bước nữa với bà Đỗ Thị Chi. Anh Vinh được đi học sớm, 16 tuổi đã học xong cấp 3 rồi đi bộ đội luôn.
“Vinh thích đi bộ đội lắm, có lẽ muốn theo nghiệp bố. Khi tôi hỏi ý kiến Vinh đồng ý ngay. Cả đơn vị năm đó Vinh là người nhỏ tuổi nhất. Lúc nhìn con lên xe về đơn vị mà tôi không cầm được nước mắt”, ông Quang bồi hồi.
Ở đơn vị được một thời gian, anh Hoàng Xuân Vinh được cử đi học sĩ quan ở Bình Dương rồi tham gia hội thao ở Cần Thơ. Có thành tích tốt nên anh Vinh được vào đội tuyển bắn súng quân đội, sự nghiệp thể thao của xạ thủ “huyền thoại” này bắt đầu.
Đánh giá về người con trai ưu tú, ông Quang nói: “Vinh là người bình tĩnh và rất thông minh. Chỉ cần quan sát, hay nghe một lần là Vinh sẽ làm lại ngay được. Đặc biệt Vinh có một ý chí sắt đá, không bao giờ gục ngã khi gặp thất bại. Tôi nhớ, kỳ Olympic ở London năm 2008. Vinh mất huy chương vàng trong tích tắc. Về nhà thấy Vinh còn buồn tôi hỏi han an ủi thì Vinh nói: Con không sao bố ạ, lần sau con sẽ bắn tốt hơn”.
Mấy chục năm là chiến sĩ rồi chỉ huy ở các đơn vị rà phá bom mìn ông Quang đã nhiều lần cận kề với cái chết thế nhưng chưa bao giờ ông sợ hãi. “Tôi kể cho Vinh rất nhiều về những kỷ niệm sống chết của mình để Vinh nhớ trách nhiệm của người lính với tổ quốc là điều cao hơn tất cả. Có lẽ kỳ tích của Vinh có dấu ấn truyền thống gia đình và danh dự người lính”.
Bình luận