Cuộc họp báo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) vào chiều 17/8 tại Hà Nội đã trở nên "nóng" hơn bởi những câu hỏi trực diện từ các phóng viên báo chí đối với Bộ GTVT.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp báo đã trả lời phóng viên báo chí về những vấn đề liên quan đến trạm thu phí BOT ở Cai Lậy, tâm điểm chú ý dư luận những ngày qua.
Vị trí đặt trạm 'đã được nghiên cứu kỹ'
Phóng viên đặt câu hỏi căn cứ cơ sở nào mà Bộ GTVT và chủ đầu tư đặt vị trí ở nơi tất cả tài xế đều phản đối và có sức hút dòng phương tiện lớn? Với đường Quốc lộ thì tiền bảo trì duy tu sẽ sử dụng ở quỹ bảo trì đường bộ mà lại dùng tiền thu từ BOT là có hợp lý? So sánh phí Trung Lương và Cai Lậy thấy chênh lệch cao, người dân thấy bất hợp lý đề nghị giải thích rõ hơn.
Thứ trưởng Đông cho biết: “Phải nói rằng việc đặt 1 trạm thu phí có cả quá trình diễn ra rất lâu. Trước có dự án từ vốn ngân sách nhà nước, sau đó các dự án BOT vào. Một số do mục tiêu huy động vốn cũng đặt trạm để đảm bảo thu hồi vốn. Còn với trạm cụ thể này đặt trên phạm vi dự án. Bất kỳ trạm thu phí nào đều đặt trên phạm vi dự án. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo rà lại, sắp xếp lại nhiều trạm để xác định đưa về khu vực dự án cho phù hợp. Tất nhiên, vẫn còn ở khu vực ngoài dự án.
Với Cai Lậy, căn cứ vào phương án tài chính, nằm trên phạm vi dự án, quá trình làm có lấy ý kiến của các cơ quan như bất kỳ trạm nào khác, bao gồm ý kiến địa phương, bộ Tài chính, HĐND… Khẳng định là nằm ở phạm vi dự án và căn cứ vào tài chính để làm. Mục tiêu tối cao làm BOT là hài hoà lợi ích, nhà nước không bỏ tiền đầu tư vì ngân sách hạn chế và nhà đầu tư có lợi nhuận, người cấp vốn cũng phải thấy khả thi mới cấp vốn.
Về quỹ bảo trì đường bộ, phạm vi áp dụng dự án BOT nói chung đều có phần cải tạo nâng cấp, hiện đại hoá những cái hiện có. Dự án cụ thể này có nâng cấp cải tạo đường, cầu Quốc lộ 1 để nâng tải trọng, đồng thời làm tuyến tránh.
Về giá cước phí, Thứ trưởng cho hay 2 phương thức thu phí khác nhau. Tại Trung Lương là ngân sách nhà nước xây dựng, có thu phí để thêm ngân sách nhà nước nhưng không giới hạn thời gian thu phí. Cai Lậy thu phí lượt thì căn cứ vào phương án tài chính, khả năng của tổ chức tín dụng, hài hoà lợi ích các bên.
“Vấn đề phát sinh đều có quy định hợp đồng để xử lý. Đầu tiên là chủ đầu tư chịu trách nhiệm. Tổng cục Đường bộ sẽ quản lý trong quá trình khai thác. Cuối cùng là trách nhiệm địa phương. Chúng tôi đang xử lý tiếp trong thời gian tới và còn rất nhiều bước phải làm.
Không thể quyết định theo thủ tục hành chính được vì ta ký hợp đồng, các bên phải có sự trao đổi để hoàn chỉnh, có sự xem xét của ngân hàng nếu không khoản vay đến hạn thành nợ xấu. Sai đến đâu xử lý đến đấy. Nếu sai về hình sự sẽ xử lý hình sự. Nay chưa phát hiện dấu hiệu hình sự” - Thứ trưởng phân trần.
Thứ trưởng khẳng định phương thức này thu hút được nguồn lực trong điều kiện ngân sách hạn chế. Khi có nơi chưa đồng thuận, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát tất cả các trạm để xem xét điều chỉnh, linh hoạt, phù hợp về phương án tài chính.
Có di dời trạm BOT Cai Lậy hay không?
Phóng viên đặt câu hỏi sau khi người dân có phản ứng thì bộ cũng như chủ đầu tư có động thái miễn, giảm phí, sẽ kéo dài thời gian thu phí, tiền lãi ngân hàng chủ đầu tư phải chịu và dân phải bỏ tiền ra gánh? Vậy ai chịu trách nhiệm? Liệu có việc chuyển trạm thu phí về điểm mới và bỏ ngân sách mua đoạn đường này được không?
Việc đặt các trạm BOT dựa trên việc chỉ trải thảm mặt đường, chỉ nâng cấp thì Cai Lậy không phải trường hợp đầu tiên. Trước đây đã có cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Người dân bắt buộc phải đi qua con đường này, vậy chủ trương BOT bộ có điều chỉnh gì không?
Trả lời, Thứ trưởng Đông cho hay cần phải xử lý hài hoà, nghĩa là mức phí phù hợp với khả năng khả thi thu hồi được vốn, nếu kéo dài thời gian quá ảnh hưởng thu hồi vốn, kinh doanh của ngân hàng. “Chúng tôi đã có phương án tài chính sơ bộ, trong đó có điều chỉnh mức giá, thời gian. Chủ đầu tư sẽ làm việc với tổ chức tín dụng để khớp lại. Mức lãi cũng phải tính công bằng với người ta” – ông Đông nói.
Về 2 cái cống, gọi là “cống” là do thuật ngữ kỹ thuật, chuyển thành cống vì người ta thanh toán trên cơ sở nghiệm thu khối lượng.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông
Thứ trưởng khẳng định một lần nữa rằng trạm này thuộc phạm vi dự án. Đầu tư hình thức BOT, để giảm gánh nặng cho nhà nước trong khi ngân sách rất khó khăn. Đây là kênh hút vốn nhưng vấn đề có phát sinh, bất cập thì phải cùng nhau giải quyết. Không những hạ tầng đường bộ mà cả hàng không, bến cảng, đường sắt… cũng cần thu hút vốn trong, ngoài nước.
Về việc duy tu bảo dưỡng, ông Đông cho hay 2 đoạn này khi xem xét đều thấy xuống cấp nên mới đưa vào phạm vi dự án, có cải tạo nâng cấp chứ không phải chỉ đưa vào để thu phí.
Vì sao hai cây cầu bỗng dưng "biến mất"?
Phóng viên đặt câu hỏi về 2 cầu được thay bằng 2 cống thì giảm bao nhiêu tiền, trừ được bao nhiêu thời gian thu phí? Trước có nói BOT quyết toán xong mới thu phí, ở đây chưa quyết toán đã thu phí? Nhiều dự án BOT “không có lối thoát” cho người tham gia, tức không có đường nào khác?
Thứ trưởng Đông cho biết vấn đề đảm bảo nguyên tắc đủ lưu lượng thoát nước, còn tính toán giảm được bao nhiêu giờ thì chưa biết được. “Chúng tôi sẽ giao anh em cung cấp xem giảm được bao nhiêu. Nhưng sẽ không nhiều và không tác động lớn”- ông khẳng định.
Ông cũng cho biết thực tế xuất phát từ nguồn ngân sách quá thiếu. “Chúng tôi lo ngại khả năng ngân sách cải tạo nâng cấp quốc lộ là khó khăn nên vẫn cải tạo nâng cấp trên đường hiện hữu để nâng cao khả năng khai thác. Chủ trương chung là bây giờ chỉ đề nghị làm tuyến mới. Chắc chắn sẽ có tác động nhất định vì ngân sách hạn chế sẽ khó khăn”- Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Đông cũng cho rằng chất lượng dự án, cụ thể là dài ngắn nói là 12 km nhưng phải căn cứ bản vẽ. Việc thanh toán có khối lượng, thậm chí có nghiệm thu đến từng mặt cắt ngang. Về 2 cái cống, gọi là “cống” là do thuật ngữ kỹ thuật, chuyển thành cống vì người ta thanh toán trên cơ sở nghiệm thu khối lượng.
Trả lời thêm, đại diện Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, cho biết về góc độ quản lý nhà nước thì cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền trực tiếp quản lý theo dõi, khi kết thúc, bao giờ Bộ cũng có hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu.
Đoạn Quốc lộ 1A kết thúc thi công tháng 1/2016 và đưa vào khai thác thường xuyên. Tuyến tránh thì Tết 2016, 2/9/2016 và Tết 2017 đã có những đợt đưa vào khai thác tạm thời. Khi hoàn thiện chính thức thì đưa vào khai thác từ 6/2017. Nghiệm thu thủ tục đầy đủ. Chủ đầu tư đang làm công tác hoàn công, xem xét, đưa vào quyết toán.
Về chất lượng, theo hồ sơ tư vấn nhà thầu tổ chức thi công thì đang đúng theo quy định. Về hành lang an toàn ban đầu chỉ có ruộng, khi bắt đầu thi công nền thì có bà con bắt đầu đưa vào một số nền nhà dân. Nhiều vị trí bà con lấn ra sát lộ dù đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo. Bởi vậy, thực tế, có khi tuyến tránh lại thành một đô thị nữa.
Có khuất tất trong chỉ định nhà đầu tư?
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi quá trình lựa chọn nhà đầu tư có nhiều người quan tâm không? Tại sao quyết định phương án chỉ định nhà đầu tư? Bao giờ dự án chốt số liệu quyết toán? Sau điều chỉnh ước tính thời gian thu phí kéo dài bao nhiêu năm? Tại sao trước đây không đề cập nội dung sửa chữa Quốc lộ 1, về sau lại đưa vào?
Thứ trưởng Đông cho rằng Bộ khó lường hết được những sự việc xảy ra như thế này. Thực tế, xung quanh những chuyện phóng viên, người dân đã nêu, Bộ đang tập trung tích cực trao đổi với tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư để xử lý. Quan trọng là dự án trên địa bàn thì phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, đảm bảo được an ninh trật tự, giải quyết để cố gắng hài hoà. Mong rằng không có thêm sự cố gì phức tạp nữa.
Đại diện Bộ GTVT cho rằng hợp đồng kinh tế công khai như thế nào cũng là vấn đề. Luật mới cần có hình thức cụ thể nào đó, như có đưa lên mạng không? Còn việc công khai mức phí cũng phải có hình thức thích hợp. Nếu công khai kiểu phải “post” lên rất là khó. Người sử dụng chỉ quan tâm giá, phí phải chịu bao nhiêu, cơ quan thuế công khai hàng ngày, hàng tháng…
Ông Nguyễn Viết Huy, Trưởng Ban PPP, Bộ GTVT, cho biết theo quy định pháp luật, các hình thức lựa chọn nhà đầu tư như đấu thầu, hoặc căn cứ vào tính cấp bách thì chỉ định thầu. Cụ thể ở đây, Cai Lậy căn cứ đảm bảo giảm ùn tắc, an toàn giao thông trên QL 1 nên báo cáo Chính phủ và Chính phủ đồng ý quyết định chỉ định thầu. Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo cơ quan liên quan rà soát, kiểm lại lưu lượng xe để đưa ra thời gian chính thức, có thể 12-14 năm.
Thứ trưởng Đông cho biết đây là đánh đổi giá thu với thời gian, đó là bài toán tổng thể. Khi đã chốt phương án tài chính tại thời điểm đó vẫn phải xác định hàng năm rà lại mức tăng trưởng của xe để chốt lại.
Ông Nguyễn Viết Huy cho biết thêm về quyết toán dự án thì BOT là dự án mở, căn cứ tổng mức đầu tư, yếu tố lưu lượng… sau đó mới tính toán đến thời gian thu của dự án. Nghị định 15 quy định trong 6 tháng sau khi bàn giao sử dụng phải thực hiện quyết toán. Chưa quyết toán mà cho thu là vì quy định là dự án bàn giao sử dụng sẽ được thu.
Video: Bộ GTVT họp báo trạm thu phí Cai Lậy
Bình luận