• Zalo

Bộ GTVT đề xuất 4 cơ chế đặc thù để sớm có nhiều đường cao tốc

Đầu TưThứ Tư, 20/10/2021 12:01:54 +07:00Google News

Bộ GTVT đề xuất thí điểm 4 cơ chế đặc thù cho phát triển các dự án đường bộ cao tốc thời gian tới gồm: Vốn nhà nước tham gia vào dự án vượt 50% tổng mức đầu tư,...

Bộ GTVT vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Bộ GTVT, từ nay tới năm 2030, cần khoảng 813 nghìn tỷ đồng làm đường cao tốc. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 393 nghìn tỷ đồng (ngân sách nhà nước bố trí khoảng 239 nghìn tỷ, còn lại 153 nghìn tỷ đồng huy động vốn tư nhân).

Để huy động được vốn tư nhân tham gia làm đường cao tốc, Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công – tư (PPP, theo Luật Đầu tư PPP). Điều này mở đường cho phần góp vốn từ ngân sách nhà nước vào 1 số dự án vùng khó khăn, hoặc dự án chi phí giải phóng mặt bằng lớn đảm bảo tính khả thi, thu hút được nhà đầu tư tham gia.

Bộ GTVT đề xuất 4 cơ chế đặc thù để sớm có nhiều đường cao tốc - 1

Bộ GTVT đề xuất 4 cơ chế đặc thù để sớm có nhiều đường cao tốc.

Bộ GTVT cũng đề xuất giao các địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các dự án qua tỉnh thành mình. Bổ sung cơ chế cho phép địa phương được vay lại nguồn trái phiếu Chính phủ để làm đường cao tốc.

Cơ quan soạn thảo đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm chỉ định thầu các gói thầu Tư vấn lập dự án, Tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, Tư vấn giám sát thi công xây dựng, các gói thầu thực hiện công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để giải phóng mặt bằng. Giải pháp này để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu thực hiện các công việc trước khi khởi công xây dựng, rút ngắn thời gian triển khai dự án.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất địa phương được quyền giao và cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá) cho các nhà thầu thi công cao tốc không qua đấu giá, khối lượng khai thác chỉ phục vụ dự án cao tốc. Do quy định hiện hành việc khai thác mỏ đất, đá, cát phải qua đấu thầu, thời gian hoàn thiện thủ tục khoảng 1 năm, trong khi thi công các dự án thường kéo dài 2 năm.

Theo số liệu của Bộ GTVT, tới hết năm 2020, Việt Nam mới có 1.163 km đường cao tốc (trong khi mục tiêu đặt ra trước đó là có 2.000km). Tổng vốn đầu tư cao tốc giai đoạn 2001 - 2020 khoảng 413.395 tỷ đồng. Trong đó, từ năm 2011 mới bắt đầu có sự tham gia của vốn đầu tư ngoài ngân sách vào đường cao tốc, với tổng vốn khoảng 88.440 tỷ đồng, còn lại là nguồn ngân sách nhà nước.

Vừa qua, triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, sau khi một số đoạn chuyển sang đầu tư công, vẫn có 5 đoạn kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (hợp đồng BOT). Tuy nhiên, qua đấu thầu, chỉ có 3 đoạn tìm được nhà đầu tư BOT, 2 đoạn không có nhà đầu tư nên sau đó phải chuyển sang đầu tư công. Các đoạn không có nhà đầu tư do đi qua khu vực kinh tế còn kém phát triển, vùng khó khăn, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án thấp nên chưa khả thi về mặt tài chính.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn