Liên quan tới chủ trương xóa bỏ hoàn toàn giường dịch vụ của Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua, theo GS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, chủ trương xóa bỏ giường bệnh dịch vụ của Bệnh viện Bạch Mai là việc làm tốt đẹp và đúng đắn.
Tuy nhiên, Bạch Mai thực hiện chủ trương trên dựa trên thực tế vẫn còn bệnh nhân nằm ghép. Còn với các bệnh viện khác, số lượng bệnh nhân tuy đông, nhưng giường bệnh vẫn đạt tiêu chuẩn và không có hiện tượng bệnh nhân chung giường.
Lúc này, nếu các bệnh có yêu cầu để hưởng cách dịch vụ y tế chất lượng cao như được nằm giường tự nguyện thì các đơn vị y tế vẫn nên đáp ứng.
“Nếu không có, tình trạng người bệnh sẽ phải ra nước ngoài để hưởng dịch vụ cao hơn sẽ xảy ra”, ông Hải nói.
GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức bày tỏ, thời điểm hiện tại, Bệnh viện Việt Đức chưa có ý kiền gì vấn đề trên.
PGS. TS Lê Văn Quảng – Phó Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, theo quy định mỗi bệnh viện có tối đa là 30% số giường dịch vụ. Vì vậy, việc Bệnh viện Bạch Mai giảm số giường dịch vụ xuống dưới 30%, dần dần xóa bỏ là đúng.
"Đó là chủ trương của Bạch Mai", ông nói. Còn với Bệnh viện K, từ trước tới nay đơn vị vẫn đang thực hiện theo quy định số giường dịch vụ dưới 30%. Tương lai sắp tới thế nào phải có những nghiên cứu, bàn bạc cụ thể mới đưa ra được quyết định cuối cùng.
PV VTC News cũng liên hệ với đại diện lãnh đạo nhiều bệnh viện, như Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về vấn đề trên.
Hầu hết họ đều cho rằng đây là quyết định của riêng Bệnh viện Bạch Mai và từ chối bình luận về chủ trương xóa bỏ giường dịch vụ.
Chuyên gia nói gì?
BS Trần Văn Phúc – bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng cho rằng, chủ trương của Bệnh viện Bạch Mai về xóa bỏ giường dịch vụ là phù hợp, mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
Theo ông Phúc, trước đây quá trình công tác, có những thời điểm đơn vị ông làm việc thu giá quá thấp, sau đó không thể nào bù vào khoản lỗ đó. Lúc này, bệnh nhân phải trả một cái giá rất đắt khi áp dụng y tế giá rẻ.
Bởi khi dịch vụ y tế duy trì ở ngưỡng giá rẻ thì đơn vị đó chỉ mua được những rủi ro từ những trang thiết bị, dịch vụ… và nhân viên y tế luôn là người chịu khi liên tục bị người bệnh “tấn công”.
Nhưng ngược lại, nếu đẩy giá giường dịch vụ lên cao, nghĩa là “kinh doanh trên lĩnh vực y tế” thì câu chuyện cũng vô cùng tệ hại. Bởi sự phân biệt giàu nghèo, xảy ra câu chuyện người thừa, người thiếu giường là vì thế.
“Các đơn vị đừng sợ là sẽ bị thiếu nguồn thu, bởi khi mọi thứ mình làm thật tốt thì mọi hoạt động bao gồm cả kinh tế y tế sẽ đều đi vào ổn định, người dân sẽ tin tưởng tìm đến, nhân viên y tế cũng yên tâm làm việc”, BS Phúc nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cũng cho rằng chủ trương xóa bỏ giường dịch vụ của Bệnh viện Bạch Mai là việc làm tốt, cần thực hiện sớm để “làm gương” cho các đơn vị khác noi theo.
Thông qua chủ trương này, chất lượng dịch vụ sẽ được nâng cao, người bệnh sẽ được hưởng nhiều quyền lợi. Đặc biệt, tình trạng 2, 3 bệnh nhân phải nằm ghép trên một giường sẽ được giảm xuống, khoảng cách về giàu nghèo trong bệnh viện sẽ không còn, chất lượng dịch vụ đối với mỗi người bệnh sẽ được bình đẳng.
Ngày 25/5, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức buổi thông tin cho báo chí về hướng phát triển sắp tới của đơn vị trong giai đoạn mới, giai đoạn tự chủ hoàn toàn. Theo PGS.TS Dương Đức Hùng - Phó giám đốc bệnh viện, bệnh viện sẽ hướng tới nguyên tắc chủ đạo là chất lượng và công khai minh bạch. Trong đó, ưu tiên chăm sóc người bệnh. Đặc biệt, bệnh viện hướng tới sẽ không còn giường dịch vụ.
“Trước tình trạng nằm ghép phổ biến ở các bệnh viện, giường dịch vụ ra đời do nhu cầu của người bệnh và được Bộ Y tế chấp nhận. Trước mắt, Bệnh viện sẽ xây dựng lại bộ tiêu chuẩn rõ ràng về giường yêu cầu, không chỉ dừng lại ở phòng có điều hòa”, ông Hùng nêu rõ.
Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, với việc hướng tới chất lượng làm cốt lõi, thời gian tới khoảng cách giữa giường dịch vụ và giường bình thường sẽ được xóa nhòa. Sắp tới sẽ không còn giường dịch vụ.
“Hiện ở bệnh viện, giường dịch vụ chỉ dưới 30% và cho phép tối đa 30%. Trước đây, con số này là 50-60%. Chúng tôi đang tiến tới mức chỉ có 20-25% giường yêu cầu và tiến tới không còn loại giường này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bình luận