• Zalo

Bỏ giường dịch vụ: Bệnh viện là nơi cứu người, không phải khách sạn

Tin tứcThứ Tư, 27/05/2020 06:47:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bệnh viện không thể là khách sạn mà là nơi cứu chữa bệnh nhân, vì thế ai cũng phải được quyền hưởng bình đẳng, có quyền được điều trị như nhau, theo một chuyên gia.

Xóa bỏ giường dịch vụ là tất yếu

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), khái niệm “tự chủ hóa bệnh viện” có nghĩa là giao tự chủ toàn bộ quyền hạch toán, làm việc cả về chuyên môn cũng như về kinh tế y tế... cho một đơn vị. Lúc này, giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm toàn bộ cho tất cả hoạt động của đơn vị mình đang quản lý bao gồm: Cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hay về chất lượng khám chữa bệnh.

Tóm lại, tự chủ bệnh viện tức là giao toàn bộ quyền tự quyết cho một đơn vị, một bệnh viện. “Có nghĩa là tôi giao cho anh, anh phải tự lo tiền lương cho cán bộ công nhân viên, tự lo việc mua sắm trang thiết bị vật chất…”, bác sĩ  Phúc nói.

Bỏ giường dịch vụ: Bệnh viện là nơi cứu người, không phải khách sạn - 1

 Bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội).

Theo bác sĩ Phúc, từ xưa tới nay, giường bệnh nói riêng cũng như dịch vụ y tế nói chung vẫn tồn tại 2 vấn đề. Thứ nhất, một số bệnh viện duy trì quan điểm y tế giá rẻ, nghĩa là theo hình thức “nhà thương làm phúc”, giảm tải về khoản kinh tế tới mức thấp nhất cho bệnh nhân.

Thứ hai, một số đơn vị lại có chủ trương “bệnh nhân là khách hàng, bệnh viện là khách sạn”, để rồi kinh doanh trên lĩnh vực y tế.

Nhưng, cả 2 thái cực đều gây ra thảm họa.

Nếu chúng ta biến bệnh viện thành “nhà thương làm phúc” hay một nơi để “kinh doanh lợi nhuận” thì đều là thảm họa. Kinh tế y tế phải đi theo đúng quy luật của y tế. Nghĩa là tất cả những quy luật của kinh tế thị trường áp dụng vào đều sẽ không phù hợp.

"Tất nhiên, với tự chủ, khi đã giao cho lãnh đạo một bệnh viện, thì việc họ quyết định đi theo con đường “nhà thương làm phúc” hay “kinh tế thị trường” cũng đều là việc của họ. Nhưng cái sai thì sớm muộn gì cũng bị đào thải, còn cái đúng thì sẽ tồn tại lâu dài”, ông Phúc khẳng định.

Với quyết định xóa giường bệnh dịch vụ của Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Phúc nhận định chủ trương này sẽ kéo tất cả các hoạt động khám, điều trị bệnh viện này sẽ phải nâng cao chất lượng lên. Qua đó, làm sao vừa thu hút ngày càng đông bệnh nhân đến điều trị, vừa mang lại hiệu quả về chuyên môn cũng như về kinh tế y tế. "Đây là việc tất yếu và cần thiết mà đáng lẽ ra phải làm từ rất lâu rồi", ông Phúc nói.

“Nếu là tôi, tôi cũng cố gắng nâng chất lượng dịch vụ lên để từ đó thu hút đông bệnh nhân đến điều trị. Ngoài ra, các bệnh viện cũng chỉ nên thu đúng và thu đủ dựa trên số lượng bệnh nhân. Bởi khi mình làm thật tốt thì mình sẽ mang lại những lợi nhuận khác. Chứ không phải cứ đẩy giá lên rất cao hoặc giá rất thấp là được. Như vậy là đều sai cả”, ông Phúc nói thêm.

Khám, chữa bệnh không phân biệt giàu nghèo

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, chủ trương của Bệnh viện Bạch Mai về xóa bỏ giường dịch vụ là phù hợp, mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.

Việc bây giờ là cố gắng làm sao để tất cả bệnh nhân vào điều trị đều lấy chuyên môn lên hàng đầu và để đánh giá quy chuẩn. Không có chuyện phân biệt giữa người nhiều tiền hay người ít tiền, dễ dẫn đến tình trạng có người một mình một phòng nhưng có nơi 2-3 bệnh nhân chung nhau một giường là không được.

“Phải thu đúng, thu đủ với đúng số bệnh nhân đến thăm khám chứ không có chuyện thu người này thì thấp đi, người kia lại tăng lên để bù lỗ. Bệnh viện không thể là khách sạn, cũng không phải nơi để 'bố thí, làm phúc'. Bệnh viện là nơi cứu chữa bệnh nhân, ai cũng phải được quyền hưởng bình đẳng, có quyền được điều trị như nhau”, ông Phúc nhấn mạnh.

Bỏ giường dịch vụ: Bệnh viện là nơi cứu người, không phải khách sạn - 2

Theo chuyên gia, việc tiến tới xóa bỏ giường dịch vụ là tất yếu. (Ảnh minh họa: VnExpress).

Theo bác sĩ Phúc, trước đây quá trình công tác, có những thời điểm đơn vị ông làm việc thu giá quá thấp, sau đó không thể nào bù vào khoản lỗ đó. Lúc này, bệnh nhân phải trả một cái giá rất đắt khi áp dụng y tế giá rẻ.

Bởi khi dịch vụ y tế duy trì ở ngưỡng giá rẻ thì đơn vị đó chỉ mua được những rủi ro từ những trang thiết bị, dịch vụ… và nhân viên y tế luôn là người chịu khi liên tục bị người bệnh “tấn công”.

Nhưng ngược lại, nếu đẩy giá giường dịch vụ lên cao, nghĩa là “kinh doanh trên lĩnh vực y tế” thì câu chuyện cũng vô cùng tệ hại. Bởi sự phân biệt giàu nghèo, xảy ra câu chuyện người thừa, người thiếu giường là vì thế.

“Các đơn vị đừng sợ là sẽ bị thiếu nguồn thu, bởi khi mọi thứ mình làm thật tốt thì mọi hoạt động bao gồm cả kinh tế y tế sẽ đều đi vào ổn định, người dân sẽ tin tưởng tìm đến, nhân viên y tế cũng yên tâm làm việc. Giống như việc người ta hay nói là 'hữu xạ tự nhiên hương' vậy”, BS Phúc nhấn mạnh.

Ngày 25/5, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức buổi thông tin cho báo chí về hướng phát triển sắp tới của đơn vị trong giai đoạn mới, giai đoạn tự chủ hoàn toàn. Theo PGS.TS Dương Đức Hùng - Phó giám đốc bệnh viện, bệnh viện sẽ hướng tới nguyên tắc chủ đạo là chất lượng và công khai minh bạch. Trong đó, ưu tiên chăm sóc người bệnh. Đặc biệt, bệnh viện hướng tới sẽ không còn giường dịch vụ.

“Trước tình trạng nằm ghép phổ biến ở các bệnh viện, giường dịch vụ ra đời do nhu cầu của người bệnh và được Bộ Y tế chấp nhận. Trước mắt, Bệnh viện sẽ xây dựng lại bộ tiêu chuẩn rõ ràng về giường yêu cầu, không chỉ dừng lại ở phòng có điều hòa”, ông Hùng nêu rõ.

Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, với việc hướng tới chất lượng làm cốt lõi, thời gian tới khoảng cách giữa giường dịch vụ và giường bình thường sẽ được xóa nhòa. Sắp tới sẽ không còn giường dịch vụ.

“Hiện ở bệnh viện, giường dịch vụ chỉ dưới 30% và cho phép tối đa 30%. Trước đây, con số này là 50-60%. Chúng tôi đang tiến tới mức chỉ có 20-25% giường yêu cầu và tiến tới không còn loại giường này”, ông Hùng nhấn mạnh.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn