Ngày 25/2, Ủy ban Trung ương Trung Quốc đề xuất bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ liên tiếp dành cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước, điều này đồng nghĩa với việc Chủ tịch Tập Cận Bình, người nắm giữ cương vị đứng đầu nhà nước 2 nhiệm kỳ liên tiếp vẫn có thể lãnh đạo đất nước sau năm 2023.
Hiến pháp Trung Quốc hiện hành quy định, ông Tập, 64 tuổi sẽ phải rời nhiệm sở sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 vào 5 năm tới.
Bình luận về đề xuất mới của Ủy ban Trung ương Trung Quốc, chuyên gia chính trị, nhà sử học Chương Lập Phàm cho rằng, khó có thể biết chính xác ông Tập có thể ngồi trên chiếc ghế quyền lực trong bao lâu.
"Về mặt lý thuyết, nhiệm kỳ của ông Tập có thể dài hơn Tổng thống Robert Mugabe, nhưng trên thực tế thì không ai dám chắc điều gi sẽ xảy ra", ông Chương so sánh ông Tập với cựu Tổng thống Zimbabwe, người vừa tuyên bố từ chức ở tuổi 94 sau 37 năm nắm quyền.
Thời điểm
Theo New York Times, thời gian đề xuất được đưa ra làm bất ngờ cả những nhà quan sát giàu kinh nghiệm nhất về chính trị Trung Quốc: Chủ tịch Tập trong tháng 3 tới sẽ hoàn thành nhiệm kỳ đầu tiên.
Thông thường, ông Tập đã có thể đợi đến cuối nhiệm kỳ thứ 2 để hành động, hoặc bước xuống sau hai nhiệm kỳ và vận hành đất nước đằng sau hậu trường như một số người tiền nhiệm.
Bằng cách hành động sớm, ông Tập – 64 tuổi, được cho là tuyên bố một cách không chính thức ý định giữ chức đến sau năm 2023, phá vỡ quy tắc kế nhiệm trong chính trị Trung Quốc kể từ sau khi ông Mao Trạch Đông, rồi đến ông Đặng Tiểu Bình được thay thế.
Trương Minh, giáo sư Chính trị tại Trường Đại học Renmin Bắc Kinh cho rằng ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tiếp tục, và đề xuất sửa hiến pháp chỉ là cách gửi tín hiệu về những gì ông muốn làm.
Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cho rằng ông Tập quyết định hành động khi đang ở đỉnh cao chính trị, vì quyền hạn của các lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu giảm dần khi đến thời gian nghỉ hưu.
Với đà hoạt động như hiện nay, ông Tập không có lý do gì lại tiếp nhận nguy cơ mất quyền sau 3 năm nữa nếu kinh tế khủng hoảng hoặc có xung đột với Triều Tiên – chuyên gia về chính trị Trung Quốc, Jude Blanchette bình luận.
Theo New York Times, những đề xuất này gần như chắc chắn sẽ được thông qua thành luật bởi Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc được tổ chức hàng năm bắt đầu từ 5/3 chưa bao giở bỏ phiếu phủ quyết một đề xuất từ các lãnh đạo Đảng.
Dư luận
Dư luận Trung Quốc cũng đặc biệt quan tâm tới thông tin này. Các ý kiến tích cực gần như lấp đầy phần bình luận trên các trang báo chính thống của Trung Quốc như People’s Daily. Nhưng đâu đó vẫn tồn tại những quan điểm trái chiều.
“Nếu như 2 nhiệm kỳ là không đủ, họ có thể thêm một nhiệm kỳ thứ 3, nhưng vẫn cần có một giới hạn”, một tài khoản Weibo bình luận.
Nhiều chuyên gia tỏ ra lo sợ trước viễn cảnh một khi đề xuất này được thông qua dù gần như việc nó trở thành hiện thực chỉ là vấn đề thời gian. “Tôi sợ ông ấy sẽ trở thành một hoàng đế”, Willy Lam, chuyên gia chính trị nói với AFP. Nhưng theo Trương Minh, với người Trung Quốc hiện tại, ông ấy đã là một hoàng đế rồi.
Với giới quan sát, việc gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ là thông tin bất ngờ nhưng có thể được dự báo kể từ khi đồng minh thân cận của ông Tập, Vương Kỳ Sơn trở lại chính trường.
Ông Vương, 69 tuổi, người từng đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng "Đả hổ, Diệt ruồi" ở Trung Quốc tái xuất trong vai trò mới khi trúng cử đại biểu của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 13 vào cuối tháng 1 vừa qua và được dự đoán sẽ trở thành Phó chủ tịch nước.
Ông Vương rời Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), hồi tháng 10, trong đợt cải tổ đội ngũ lãnh đạo tại Đại hội 19 do đến tuối về hưu.
Tuy nhiên, luật pháp nhà nước Trung Quốc không có quy định nào giới hạn về tuổi tối đa để đảm nhiệm chức vụ chủ tịch nước hay phó chủ tịch, nên việc ông Vương trở lại chính trường ở tuổi 69 được cho là sẽ tạo tiền đề để ông Tập có thể ngồi lại chiếc ghế quyền lực.
Bình luận