Đây là nội dung trong thông báo tối 29/11 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) liên quan đến sự việc đào tạo và cấp văn bằng 2 giả của Đại học Đông Đô từ năm 2015 đến 2019.
Thu hồi và huỷ bỏ văn bằng 2
Về trách nhiệm của những đơn vị liên quan, Bộ GD&ĐT cho biết, ngay khi nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Đại học Đông Đô, Bộ gửi công văn đến Bộ Công an đề nghị điều tra, làm rõ sự việc, có giải pháp mạnh để đảm bảo an ninh văn hóa, giáo dục.
Cho đến thời điểm này, công an mới ra kết luận điều tra đối với việc vi phạm pháp luật của Đại học Đông Đô mà chưa có kết luận cụ thể đối với những nội dung liên quan tới trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Sau khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, cá nhân liên quan nếu có sai sót, vi phạm.
Thời gian qua, cùng với việc các cơ sở giáo dục đại học được mở rộng quyền tự chủ, đã có tình trạng lạm dụng để làm sai. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT trước đây cũng còn một số vấn đề bất cập, cần được tiếp tục chấn chỉnh, hoàn thiện.
"Tuy nhiên, trong vụ việc này, không có việc buông lỏng quản lý để tạo kẽ hở cho trường sai phạm", Bộ GD&ĐT khẳng định trong thông báo.
Về việc công khai danh sách và hướng xử lý với những trường hợp sử dụng bằng đã cấp sai quy định, Bộ GD&ĐT cho biết, cho đến thời điểm này vẫn chưa nhận được danh sách các trường hợp được Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là kiên quyết xử lý, thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này.Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã giao Cục Quản lý chất lượng làm việc với Đại học Đông Đô và có văn bản yêu cầu trường nghiêm túc thực hiện việc rà soát, thu hồi, hủy bỏ các văn bằng được cấp sai quy định.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát, báo cáo danh sách những người đã sử dụng văn bằng 2 ngoại ngữ của Đại học Đông Đô và đề xuất phương án xử lý cụ thể cho từng trường hợp.
Đối với trường hợp sử dụng bằng không hợp pháp làm điều kiện đầu vào hoặc điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, Bộ GD&ĐT đề nghị cơ sở đào tạo căn cứ tính chất và mức độ để xử lý, như dừng học hoặc thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp.
Với hành vi sử dụng văn bằng không hợp pháp, pháp luật đã có quy định đầy đủ về các hình thức xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. "Việc công khai hay không công khai danh tính những cá nhân sử dụng văn bằng không hợp pháp sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật", Bộ GD&ĐT cho biết thêm.
Tự đưa thêm chỉ tiêu văn bằng 2
Về việc thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và đăng tải đề án tuyển sinh của Đại học Đông Đô trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh của các trường và thông báo xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nằm trong quy trình báo cáo và xây dựng kế hoạch nhiệm vụ hằng năm.
Từ năm 2017 trở về trước, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) được giao nhiệm vụ rà soát, kiểm tra năng lực đào tạo và thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của các trường (gồm tổng chỉ tiêu đào tạo và chỉ tiêu năng lực theo khối ngành và hình thức đào tạo), đảm bảo phù hợp với năng lực đào tạo theo 2 tiêu chí được quy định (đội ngũ cán bộ, diện tích).
Với Đại học Đông Đô, Vụ Kế hoạch - Tài chính chưa năm nào thông báo chỉ tiêu của ngành Ngôn ngữ Anh. Hoạt động rà soát được thực hiện trước khi các trường công bố đề án tuyển sinh, độc lập với việc mở ngành, mở chương trình đào tạo mới. Tại thời điểm tuyển sinh, các trường phải căn cứ quy chế tuyển sinh để xác định chỉ tiêu cho từng ngành, từng hình thức đào tạo.
Thực tế, nhiều trường sau khi được thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới quyết định mở tuyển sinh một chương trình mới hoặc đăng ký đào tạo văn bằng 2 cho một ngành cụ thể. Trường hợp Đại học Đông Đô, từ năm 2015 đến 2019, trường đều đăng ký chỉ tiêu văn bằng 2 trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng không thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh theo quy định, mặc dù trường đã được đào tạo chính quy văn bằng 1 ngành này từ năm 1995.
Việc công khai đề án tuyển sinh được thực hiện từ năm 2017 theo quy chế tuyển sinh hệ đại học chính quy nhằm thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch của các trường đại học. Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp các trường đăng tải đề án lên Cổng thông tin tuyển sinh chung tạo điều kiện cho thí sinh toàn quốc dễ dàng truy cập; theo quy chế các trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung của đề án.
"Từ năm 2019 trở về trước, mẫu đề án của Bộ GD&ĐT chỉ quy định cho tuyển sinh đại học chính quy đối với học sinh tốt nghiệp THPT và tương đương, nhưng Đại học Đông Đô đã tự đưa chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 vào phụ lục của đề án. Hoàn toàn không có việc các đơn vị của Bộ GD&ĐT đưa thông tin không có trong đề án, không do trường cung cấp lên Cổng thông tin tuyển sinh", Bộ nhấn mạnh.
Rà soát đào tạo văn bằng 2 trên cả nước
Qua sự việc của Đại học Đông Đô, Bộ GD&ĐT nhận thấy đây là một bài học cho toàn ngành. Ngay sau khi phát hiện vụ việc vào tháng 4/2019, Bộ gửi công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm rà soát đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2; thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành.
Trong hai năm gần đây, Bộ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học, nhất là trong các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2. Bộ GD&ĐT đã và đang rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước để theo kịp với thực tiễn; vừa đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, vừa nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường cũng như tăng cường khả năng giám sát của các cơ quan quản lý và của toàn xã hội.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT rà soát và cải tiến các quy trình, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ. Bộ đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học cùng với các công cụ phân tích dữ liệu, áp dụng công nghệ để nâng cao năng lực quản lý và giám sát hoạt động của toàn hệ thống.
Bộ GD&ĐT mong muốn tiếp tục nhận được những thông tin phản ánh từ cán bộ, giảng viên, người học và cộng đồng xã hội, các cơ quan báo chí để có những biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý những hành vi sai phạm.
Bình luận