Tiến sĩ dùng bằng giả của Đại học Đông Đô: Tư cách, đạo đức ấy còn dạy được ai?

Diễn đànThứ Sáu, 27/11/2020 08:45:00 +07:00
(VTC News) -

Những người dùng bằng giả của đại học Đông Đô không còn đủ tư cách, trình độ để đứng trên bục giảng hay xưng danh trong giới học thuật.

Liên quan đến vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại trường Đại học Đông Đô, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng) cho rằng, những người sử dụng bằng cấp giả không đủ tư cách đứng trên giảng đường rao giảng đạo đức.

Tôi nghĩ những người mua và sử dụng bằng giả hoàn toàn ý thức được hành vi của mình là sai trái thế nhưng họ vẫn làm. Điều này không chỉ thể hiện họ vừa không có tài, lại không có đức. Tiến sĩ, cán bộ mà còn đi mua bằng giả, vậy thì còn dạy được ai, nói được ai”, ông Lê Viết Khuyến nói.

Tiến sĩ dùng bằng giả của Đại học Đông Đô: Tư cách, đạo đức ấy còn dạy được ai? - 1

Sai phạm tại Đại học Đông Đô rất nghiêm trọng (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đồng ý quan điểm của nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải công khai danh tính của 55 cá nhân sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô bất kể chức vụ có lớn đến đâu.

Vị chuyên gia này nhận định, hành vi của 55 cá nhân sử dụng bằng giả rất đáng lên án, thách thức sự trong sạch của nền giáo dục, tạo ra thói giả dối trong bộ máy chính quyền. 

Đây là việc làm dối trên, lừa dưới; nếu không xử lý nghiêm sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và tạo ra tiền lệ xấu.

Về hình thức xử lý những người này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, những cá nhân sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô hiện đang công tác, làm việc tại các cơ sở giáo dục cần áp dụng hình thức kỷ luật, thậm chí là buộc phải rời khỏi cơ sở giảng dạy.

Qua sự việc tại trường Đại học Đông Đô, ông Khuyến đề xuất việc quản lý Nhà nước cần có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các Vụ, Cục trong Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến phân tích: “Nhân sự việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên rà soát hoạt động của các đơn vị. Hiện nay vẫn còn tồn tại kẽ hở trong công tác tuyển sinh của các trường mà nguyên nhân một phần đến từ sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ.

Sau vụ việc tại trường Đại học Đông Đô, nếu có bằng chứng về sai phạm của các trường thì cần xử lý nghiêm, tránh tạo tiền lệ xấu. Ngoài ra đối với những trường vẫn chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ cần phải giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không thể thả nổi”.

Tiến sĩ dùng bằng giả của Đại học Đông Đô: Tư cách, đạo đức ấy còn dạy được ai? - 2

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến.

Cũng có cùng quan điểm này, PGS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông nhận định, những sai phạm xảy ra tại trường Đại học Đông Đô quá nguy hiểm, bất chấp quy định của pháp luật.

Theo ông Lê Hữu Lập, điều đáng buồn, những đối tượng sử dụng văn bằng 2 thường là những người đang làm công tác giảng dạy, thi công chức, viên chức, người làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Những người này cần bằng cấp để làm “đẹp” hồ sơ.

Văn bằng 2 ngôn ngữ Anh là loại bằng cấp được công nhận và có giá trị suốt đời thay vì chỉ sử dụng được 2 năm như các loại chứng chỉ. Chính vì điều này các cơ sở giáo dục coi đây là món mồi béo bở nên đã xảy ra những vụ việc như tại Đại học Đông Đô.

PGS Lê Hữu Lập cũng đề cập đến sai phạm của người học. Ông Lập cho rằng bản thân những người mua loại bằng cấp giả này đều ý thức được mức độ nghiêm trọng và sai phạm của mình nhưng họ vẫn cố tình mua bằng giả.

Bên cạnh đó với việc đào tạo ồ ạt, dễ dãi như báo chí phản ánh, ông Lê Hữu Lập tin rằng chất lượng của loại văn bằng này sẽ rất thấp.

Vũ Ninh
Bình luận
vtcnews.vn