Tối 15/10, Bộ GD&ĐT có thông báo yêu cầu nhà xuất bản và tác giả sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều chỉnh sửa, hiệu đính nội dung chưa phù hợp, gửi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 để thẩm định.
Sau đó, Hội đồng thẩm định báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11.
Yêu cầu trên được đưa ra sau khi Hội đồng thẩm định rà soát, làm việc với tác giả sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều.
Trước phản ánh về việc sách đưa nội dung chưa phù hợp, Hội đồng thẩm định và tác giả sách sách Tiếng Việt 1 thống nhất tiếp thu tối đa góp ý để chỉnh sửa cho phù hợp hơn.
Cụ thể, tác giả sách sẽ chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên thay thế một số đoạn, bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài "Cua, cò và đàn cá" trang 115, "Hai con ngựa" trang 157, "Lừa, thỏ và cọp" trang 163; đồng thời thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng từ "nhá", "nom", "chén".
Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn, bài "đa nghĩa" mà nên lựa chọn đoạn, bài trong kho tàng văn học Việt Nam.
Bộ GD&ĐT cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tiếp nhận ý kiến đóng góp về sách giáo khoa để sách ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tối cùng ngày, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về sách giáo khoa.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ GD&ĐT cần tăng cường chỉ đạo việc nghiên cứu các ý kiến góp ý, có quyết định kịp thời, phù hợp theo đúng thẩm quyền như quy định tại Điều 32 Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) để bảo đảm chất lượng của SGK mới đáp ứng yêu cầu đảm bảo mục tiêu giáo dục như quy định tại Điều 2 Luật số 43/2019/QH14.
Từ thực tiễn biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa lớp 1 mới vừa qua, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT cần rà soát ngay các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng liên quan tới chương trình, SGK; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để huy động, phát huy đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến đối với SGK mới và xây dựng kho học liệu điện tử theo chương trình mới.
Bình luận