• Zalo

Bộ GD&ĐT: 'Mở rộng khả năng tiếp cận thế giới số cho trẻ từ cấp học đầu tiên'

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 15/10/2020 15:32:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần thiết nâng cao kỹ năng số, mở rộng khả năng tiếp cận thế giới số của trẻ là ưu tiên hàng đầu, ngay từ cấp học đầu tiên.

Sáng 15/10, Bộ GD&ĐT phối hợp với tổ chức UNICEF tổ chức Hội nghị UNICEF – ASEAN về “Chuyển đổi kỹ năng số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo khu vực ASEAN”. Hội nghị có sự tham gia của các bộ trưởng GD&ĐT các nước trong cùng khu vực.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN và trong bối cảnh ngành giáo dục các nước khu vực đang cố gắng ứng phó với dịch COVID-19, đảm bảo cho mọi học sinh được an toàn và không bị gián đoạn việc học.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, lĩnh vực khoa học công nghệ có những bước tiến mạnh mẽ, đòi hỏi mỗi học sinh cần trang bị thêm các năng lực kỹ thuật số. Năng lực kỹ thuật số ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, hỗ trợ khả năng tìm kiếm tài liệu học tập, kết nối kiến thức. Bộ kỹ năng này rất có giá trị, giúp thúc đẩy năng lực sáng tạo vượt ra ngoài môi trường lớp học hoặc trường học thông thường.

Bộ trưởng cho rằng, việc nâng cao kỹ năng số, mở rộng khả năng tiếp cận thế giới số của trẻ phải là ưu tiên hàng đầu, ngay từ cấp học đầu tiên. Để làm được điều này, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy, quản lý phải được phát triển trong trường học, nơi mỗi học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý đều có quyền, khả năng khai thác, sử dụng hệ thống. 

“Nhiệm vụ của chúng ta là tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này, đồng thời thiết lập một nền tảng chung để chia sẻ tài nguyên kỹ thuật số nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục do chênh lệch công nghệ trong khu vực gây ra”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ. 

Bộ GD&ĐT: 'Mở rộng khả năng tiếp cận thế giới số cho trẻ từ cấp học đầu tiên' - 1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (trái) và Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam (phải) chủ trì hội thảo.

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý khủng hoảng trong giai đoạn dịch COVID-19, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam ấn tượng vì Bộ GD&ĐT triển khai nhanh các hoạt động học tập trực tuyến cho học sinh.

Bà ngưỡng mộ trước những nỗ lực của giáo viên vùng sâu vùng xa ở Việt Nam khi chưa có internet mà họ đi bộ nhiều km để mang bài tập đến cho các em, để đảm bảo việc học tập của các em không bị gián đoạn.

Theo bà Rana Flowers đánh giá, Việt Nam đang đi trước và đi đầu các quốc gia trên thế giới trong chuyển đổi số, và mong muốn đây sẽ là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này. 

Việc đổi mới giáo dục phải là cuộc đổi mới sâu rộng, không để mất đi thế mạnh của những môn học truyền thống, tuy nhiên, chúng ta cần bổ sung vào hệ thống giáo dục đào tạo truyền thống những nội dung mới để đảm bảo xoá mù công nghệ cho trẻ em, đáp ứng những nhu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như đảm bảo các em được trang bị những kỹ năng mới ở trên.

"Đồng thời, giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng, nên họ cần thay đổi cách dạy học, đặc biệt giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc làm chủ những thay đổi này. Giáo viên cần phải tăng cường giáo dục về những kỹ năng mới tôi đã nói ở trên. Chúng tôi rất cần các thầy cô giáo vào cuộc để có thể đảm bảo công cuộc cải cách giáo dục vào đào tạo này", bà Rana Flowers nói.

Trong tương lai, hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam sẽ tích hợp giữa truyền thống và kỹ năng mới đảm bảo mọi trẻ em đều có thể học tập, thêm kỹ năng số, xoá mù về công nghệ.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn