Quy định phòng làm việc của giáo sư 24m2, giảng viên 10m2: Bộ GD&ĐT nói gì?

Giáo dụcThứ Sáu, 04/10/2019 10:30:00 +07:00

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, quy định nơi làm việc của giáo sư phải 24m2, giảng viên 10m2 nêu trong dự thảo không bắt buộc các trường phải thực hiện.

Bộ GD&ĐT vừa lấy ý kiến đến ngày 30/11 về dự thảo Thông tư quy định chi tiết hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT. 

Trong đó, dư luận quan tâm quy định diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên được nhắc tới trong dự thảo. Cụ thể, Bộ quy định mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 24 m2, phó giáo sư 18 m2; giảng viên chính, giảng viên là 10 m2.

Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo phải có phòng nghỉ cho giảng viên. Cứ mỗi 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ với diện tích chuyên dùng là 3 m2/giảng viên, diện tích không nhỏ hơn 24 m2/phòng.

Nhiều người cho rằng quy định trên không khả thi, không phù hợp thực tế. 

Về vấn đề này, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) khẳng định điều kiện về cơ sở vật chất này không bắt buộc các trường phải thực hiện. Quy định này được xây dựng nhằm mục tiêu hạn chế việc sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất vượt quá những khả năng nhà trường sử dụng đến.

pham-hung-anh

 Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT). (Ảnh: GD&TĐ)

Theo ông Hùng Anh, trước đây, Chính phủ chỉ quy định định mức sử dụng diện tích đối với các công chức, viên chức trong Nhà nước. Sau đó, khi có Nghị định 152 năm 2017, Chính phủ mới bắt đầu quy định tiếp đến các vị trí làm việc mang tính chất chuyên dụng như trong lĩnh vực giáo dục, y tế...

Điều này mục đích là để các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập khi lập dự án đầu tư, xây dựng, muốn mở rộng cơ sở vật chất, nhà nước sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng này để phê duyệt.

"Quy định về xây dựng cơ sở vật chất này hướng tới trong tương lai, nếu các trường có điều kiện mở rộng thì sẽ dựa vào tiêu chuẩn này, vượt sẽ bị nhà nước 'tuýt còi'; tránh trường hợp nếu không kiểm soát, các trường cứ lập dự án để xin tiền gây lãng phí cho nhà nước", ông Hùng Anh giải thích.

Ông Hùng Anh cũng thông tin, hiện một số trường đại học trình lên Bộ nguyện vọng sử dụng cơ sở vật chất của trường để liên doanh, liên kết. Để thực hiện việc này, căn cứ vào diện tích chuyên dùng của nhà trường, nếu còn thừa so với tiêu chuẩn định mức, cơ quan có thẩm quyền sẽ cho phép khai thác. Trường hợp diện tích chuyên dùng của trường chưa đủ để phục vụ dạy học thì sẽ không được cho phép.

Giáo viên rất cần phòng làm việc

Ông Hùng Anh cho biết, Nghị định 152 quy định hai loại diện tích: Diện tích sử dụng trong cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập và diện tích đặc thù của ngành giáo dục.

Trong đó, có những nhóm đặc thù là: Nhóm hệ thống diện tích dành cho phòng học; nhóm diện tích dành cho xây dựng phòng thí nghiệm, xưởng trại thực hành; nhóm hệ thống thư viện; nhóm hệ thống ký túc xá; nhóm hệ thống phục vụ cho giáo dục thể chất; nhóm nhà ăn, trạm y tế, căng tin; Nhóm diện tích làm việc cho giáo sư, phó giáo sư, giảng viên.

"Nhiều người cho rằng giáo sư, phó giáo sư, giảng viên đại học không cần phòng trống làm việc là không đúng. Ngoài việc họ lên lớp dạy học, vào phòng thí nghiệm hướng dẫn sinh viên thực hành, họ cần phải có không gian nghiên cứu, làm việc với sinh viên. Hiện nay có tình trạng giảng viên đến trường dạy xong, hết tiết là về", ông Hùng Anh nói.

Trong quy định của Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành phải quy định mức tối đa. Nhưng trong lĩnh vực giáo dục không thể quy định tối đa được, nên chúng tôi để ở quy định tối thiểu. Quy định này được thực hiện theo hướng tiếp cận để làm sao giúp các nhà trường có cơ hội tốt nhất để hỗ trợ cho giáo viên học sinh.

Ông Hùng Anh cho hay, dự thảo về quy định này được hình thành dựa vào 2 yếu tố. Thứ nhất, qua khảo sát tất cả các trường đại học hiện nay, trung bình các giáo sư đang làm việc trong diện tích 6-7m2, trong đó có trường bố trí, có trường không bố trí. Phó giáo sư còn có diện tích làm việc thấp hơn. Giảng viên chính thức hầu như không có chỗ làm việc.

"Trước bối cảnh này, dựa vào Nghị định 152, trong giai đoạn này áp dụng tạm thời tiêu chuẩn của giáo sư tương đương với Bộ trưởng, Cục trưởng. Phó giáo sư tương đương với Cục phó. Và giảng viên chính tương đương với chuyên viên của các Bộ, ngành của cơ quan giáo dục nhà nước.

Quy định này được thực hiện theo hướng tiếp cận thực tiễn để làm sao giúp các nhà trường có cơ hội tốt nhất để hỗ trợ cho giáo viên học sinh, hướng tới trong tương lai, các trường sẽ dần dần đạt các điều kiện chuẩn mực về cơ sở vật chất", ông Hùng Anh nói.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn